Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị y tế, ngành y tế tỉnh xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong cải thiện chẩn đoán. Trong những năm qua, ngành rất chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế. Hiện tại, tổng số nhân lực y tế toàn tỉnh là hơn 5.400 người, trong đó có 1.121 bác sỹ, đạt 14,05 bác sỹ/vạn dân. Các bệnh viện tuyến huyện hiện thiếu bác sỹ ở tất cả các chuyên khoa, đặc biệt là các chuyên khoa chính như nội, ngoại, sản, nhi, gây mê, hồi sức cấp cứu. Giai đoạn 2021 - 2025, Sở Y tế đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án 7 về “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có 50% bác sỹ có trình độ sau đại học, các bệnh viện tuyến huyện có 2 bác sỹ chuyên khoa 1 tại các khoa lâm sàng. Như vậy, ngành y tế cần đào tạo bổ sung 213 bác sỹ sau đại học, trung bình 46 bác sỹ/năm.
Đến hiện tại, ngành y tế đã đào tạo được 197/231 bác sỹ, đạt 85.6%, so với chỉ tiêu, trong đó có 15 tiến sĩ, bác sỹ chuyên khoa II; 182 thạc sĩ, chuyên khoa I. Giai đoạn 2024 - 2025, ngành y tế cần đào tạo bổ sung tối thiểu 34 bác sỹ sau đại học.
Dự án “Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” (Dự án 585) hiện được đánh giá là dự án đào tạo có chất lượng tốt nhất trong các chương trình đào tạo hiện nay, phù hợp với tình hình bệnh tật tại các huyện vùng khó khăn; các bác sỹ ra trường có thể đứng độc lập và làm việc được ngay tại các bệnh viện tuyến huyện. Trong 11 năm thực hiện dự án (2013 - 2024), Lào Cai đã được hỗ trợ 6 bác sỹ nội trú làm việc tại tỉnh từ 2 năm đến 3 năm và đào tạo 33 bác sỹ chuyên khoa I cho các bệnh viện tuyến huyện theo hình thức kèm trực tiếp “1 thầy 1 trò”. Ngoài ra, trong quá trình học tập, các bác sỹ đã tạo được nhiều mối quan hệ về chuyên môn với các trường đại học, bệnh viện tuyến Trung ương và các chuyên gia y tế, giúp gắn kết, hỗ trợ chuyên môn lâu dài.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên, năm 2022, bác sỹ Lèng Thu Thảo trở về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương. Nhờ chính sách tạo điều kiện để bác sỹ trẻ nâng cao trình độ, năm 2023, bác sỹ Lèng Thị Thảo được cử đi đào tạo theo Dự án 585 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hiện nay, bác sỹ Lèng Thu Thảo đang được đào tạo chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và sẽ được Phó Giáo sư - Tiến sỹ Hà Trần Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm bộ môn Hồi sức cấp cứu, Trường Đại học Y Hà Nội trực tiếp hướng dẫn theo hình thức 1:1.
Quá trình học tập, tôi nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn, chỉ dạy rất nhiệt tình từ các bác sỹ, chuyên gia y tế tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tôi tận dụng mọi thời gian, cơ hội để học hỏi, tiếp thu kiến thức.
Theo đánh giá của ngành y tế, 26 bác sỹ đã hoàn thành chương trình đào tạo theo Dự án 585 khi trở về làm việc đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, giải quyết được nhiều ca bệnh khó, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến của đơn vị, giảm chi phí xã hội của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Nguồn bác sỹ thuộc khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh có 28 người tuổi đời trẻ, nhiệt huyết, có chuyên môn tốt, cam kết làm việc lâu dài tại các bệnh viện tuyến huyện để đăng ký đào tạo. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đầu vào Dự án 585 rất cao nên Ban Quản lý Dự án 585 mới nhất trí xem xét phỏng vấn cho 7 bác sỹ. Đây là số lượng rất nhỏ so với nhu cầu cấp thiết tại các bệnh viện tuyến huyện thuộc vùng khó khăn của Lào Cai.
Cùng với Dự án 585, ngành y tế cũng phát triển nguồn nhân lực với nhiều hình thức đào tạo khác, như liên kết đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức theo địa chỉ; thu hút y, bác sỹ chất lượng cao; luân phiên cán bộ tuyến huyện về công tác tại các trạm y tế. Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã giúp các bệnh viện tuyến huyện thực hiện được 964 kỹ thuật vượt tuyến, tăng 84,7% so với giai đoạn trước năm 2019; bệnh viện tuyến tỉnh tăng thêm 136 kỹ thuật vượt tuyến. Các đơn vị đã đưa vào áp dụng chính thức 15 gói kỹ thuật mới các chuyên ngành: Lọc máu, thận nhân tạo, thần kinh, tiêu hóa, ngoại khoa, ngoại tiết niệu (đây đều là các kỹ thuật loại I và loại đặc biệt), đồng thời đang đề xuất đưa vào áp dụng chính thức 7 kỹ thuật thuộc các chuyên ngành: Ngoại tiết niệu, ngoại chấn thương; triển khai thí điểm nhiều gói kỹ thuật mới chuyên ngành tim mạch, ung bướu cấp cứu ở tuyến tỉnh và phẫu thuật nội soi, y học cổ truyền ở tuyến huyện.
Phát triển các dịch vụ kỹ thuật hiện đại giúp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Cùng với đó, để đảm bảo an toàn người bệnh, các đơn vị y tế cũng chú trọng chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng bệnh viện; tăng cường tập huấn về bảo đảm an toàn người bệnh; nâng cao trách nhiệm của từng nhân viên y tế và phòng ngừa sự cố y khoa...