Bà Field nói: “Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên thúc đẩy các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy để giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới, bao gồm những vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, y tế toàn cầu, an ninh lương thực, khí hậu, năng lượng và giáo dục. Nghị quyết cũng sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa và trong các quốc gia thông qua xây dựng năng lực, nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số và các hành động khác’.
Khác với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng là một thông số quan trọng thể hiện quan điểm của thế giới.
Trước đó hôm 13/3, 5 năm sau khi lần đầu tiên đề xuất, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo. Đạo luật này sẽ đóng vai trò hướng dẫn toàn cầu cho các quốc gia khác đang gặp khó khăn trong quản lý AI. Luật mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới sau khi được các cơ quan lập pháp và lãnh đạo 27 nước thành viên ký thông qua.
Trong khi chờ đợi luật mới được triển khai, Uỷ ban châu Âu đã yêu cầu các “Ông lớn” công nghệ, trong đó có Google, Facebook , Tiktok,… cung cấp thông tin về cách thức xử lý và ứng phó với rủi ro do Trí tuệ nhân tạo (AI) trước ngày 5/4. Các cơ quan quản lý Liên minh châu Âu cho biết họ muốn thăm dò mức độ sẵn sàng của các nền tảng công nghệ đối với thông tin sai lệch do AI cung cấp trước cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng 6 tới.
EU lần đầu tiên đề xuất các quy định về AI vào năm 2019, thể hiện vai trò đi đầu toàn cầu trong tăng cường giám sát các ngành mới nổi, trong khi các chính phủ khác cũng đang cố gắng bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Trí tuệ nhân tạo.
Đại sứ Marốc tại Liên Hợp Quốc Omar Hilale cho biết: "Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy sự phát triển của con người là rất lớn. Đồng thời, điều quan trọng là phải nhận thức được việc sử dụng công nghệ này một cách có mục đích, bởi nó có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển toàn cầu."
Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu để sử dụng AI một cách công bằng và an toàn. Các nhà chức trách ở nước này đã ban hành các biện pháp tạm thời để quản lý AI tạo sinh, áp dụng cho văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và các nội dung khác được tạo ra cho người dân ở Trung Quốc. Các quốc gia khác như Braxin hay Nhật Bản, cũng như các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc và G7, đang tiến hành xây dựng các khung pháp lý nhằm kiểm soát công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI).