Xã Thanh Bình hiện có 679 ha rừng tự nhiên, trong đó trên 50% diện tích này là rừng sa mộc phân bố ở hầu hết các thôn, bản. Với diện tích rừng sa mộc lớn và chủ yếu ở các thôn nằm ven Quốc lộ 4, nên việc giữ rừng sa mộc cảnh quan được địa phương rất quan tâm. Theo ông Phùng Huy Tường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình: Với địa hình dốc, lạnh giá vào mùa đông, nên việc bảo vệ diện tích rừng sa mộc có ý nghĩa lớn. Ngoài mục đích phòng hộ, chống sa mạc hóa thì tương lai đây là khu vực quy hoạch bảo tồn nguồn giống cây lâm nghiệp của huyện và tỉnh.
Hằng năm, tình trạng người dân khai thác nhỏ lẻ vẫn diễn ra, chính quyền xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện triển khai nhiều giải pháp vận động người dân không khai thác ồ ạt mà khai thác tỉa thưa để giữ rừng cảnh quan và giữ nguồn cây giống. Tuy nhiên, do một số khu vực rừng xen lẫn với đất canh tác của người dân nên công tác quản lý, bảo vệ đang gặp nhiều khó khăn
Được biết, để mở rộng diện tích rừng sa mộc, từ năm 2014, huyện Mường Khương đã gieo ươm hơn 100 kg hạt giống cây này để triển khai trồng 200 ha rừng phòng hộ và 200 ha rừng sản xuất. Nhằm động viên các hộ tham gia trồng rừng yên tâm làm tốt công tác trồng, giữ rừng, chính quyền địa phương đã dành hơn 500 triệu đồng hỗ trợ gạo cho các hộ nhận chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Doanh Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cho biết: Mường Khương hiện có 78.437 ha rừng phòng hộ, trong đó diện tích rừng có cây sa mộc chiếm phần lớn. Trước mắt, để bảo vệ diện tích rừng sa mộc, nhất là khu vực xã Thanh Bình, thị trấn Mường Khương và các xã vùng biên giới Dìn Chin, Pha Long, Tả Gia Khâu (nơi có nguy cơ sa mạc hóa cao), hạt đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không khai thác quá mức diện tích rừng sa mộc, đồng thời có chính sách khuyến khích để người dân gìn giữ, bảo vệ rừng sa mộc.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Mường Khương sẽ trồng thêm 300 ha rừng và triển khai giao khoán bảo vệ hơn 20 nghìn ha rừng tái sinh, trong đó nhiều diện tích là rừng sa mộc, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt 44,67%. Hy vọng với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và lực lượng kiểm lâm, những cánh rừng sa mộc ở Mường Khương sẽ mãi xanh tươi.
Trình bày: Lê Nam