Theo báo cáo nhanh ngày 12/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lũ, áp thấp nhiệt đới đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại bước đầu tính đến 13h00 ngày 11/10 như sau: Về người: 37 người chết (Sơn La: 05 người, Yên Bái: 04 người, Hòa Bình: 11 người, Thanh Hóa: 08 người, Nghệ An: 08 người, Hà Nội 01 người). Người mất tích: 40 người (Sơn La: 03 người, Yên Bái: 11 người, Hòa Bình: 21 người, Thanh Hóa: 04 người, Quảng Trị: 01 người). Người bị thương: 21 người (Sơn La: 03 người, Yên Bái: 07 người, Thái Bình: 06 người, Hòa Bình: 02 người, Thanh Hóa: 03 người).
Về nhà cửa: Nhà bị sập: 217 nhà (Sơn La: 141 nhà, Yên Bái: 46 nhà, Thanh Hóa: 28 nhà, Hà Tĩnh: 02 nhà). Nhà bị hư hỏng, thiệt hại: 1.059 nhà (Yên Bái: 26 nhà, Hòa Bình: 1000 nhà, Thanh Hóa: 33 nhà). Nhà bị ngập: 16.740 nhà (Sơn La: 07 nhà, Yên Bái: 801 nhà, Phú Thọ: 223 nhà, Thanh Hóa: 14.024 nhà, Nghệ An: 999 nhà, Hà Tĩnh: 686 nhà). Nhà phải di dời khẩn cấp: 791 nhà (Sơn La: 11 nhà, Yên Bái: 235 nhà, Phú Thọ: 91 nhà, Hòa Bình: 300 nhà, Nghệ An: 154 nhà).
Sự cố đê điều tại Thanh Hóa: Tuyến đê tả sông Chu (đê cấp 2) từ K17+245 – K17+332, đoạn K27+350 – K27+360 bị sạt lở, đã tổ chức xử lý giờ đầu. Sáng 12/10 xảy ra sự cố đê hữu sông Cầu Chày (đê cấp 4) tại vị trí cống Quan Hoa K14+400, tràn một số vị trí tại tuyến đê tả, hữu Cầu Chày, hiện địa phương đang xử lý.
Về nông nghiệp: Lúa bị thiệt hại: 8.071 ha (Sơn La: 188ha, Yên Bái: 01ha, Phú Thọ: 19ha, Hòa Bình: 4000ha, Ninh Bình: 2.647ha, Thanh Hóa: 925ha, Nghệ An: 291ha). Ngô, hoa màu, rau màu bị thiệt hại: 30.390 ha (Sơn La: 48ha, Yên Bái: 10ha, Phú Thọ: 840ha, Thanh Hóa: 23.265ha, Nghệ An: 5.926ha, Hà Tĩnh: 301ha). Cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung: 897 ha. Gia súc bị chết, cuốn trôi: 1.166 con; gia cầm bị chết, cuốn trôi: 39.865 con.
Về giao thông: Đường quốc lộ: sạt lở và ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 6, 21 đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình, sạt lở 02 điểm tại Quốc lộ 217, 15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, 02 điểm quốc lộ 32 qua Yên Bái, một số điểm quốc lộ 37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2-5m (Nghệ An). Đường tỉnh lộ, huyện lộ: Sạt lở nhiều điểm, ngập sâu từ 0,4 – 1,5m tại các tuyến đường thuộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An gây ách tắc giao thông.
Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại, tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông.
![]() |
Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) sập trong cơn lũ khiến 5 người bị mất tích trưa ngày 11/10. |
Nhiều khu vực tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La bị chia cắt; sạt lở núi xảy ra tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vùi lấp 04 hộ dân với 18 người (đã tìm thấy 08 thi thể). Địa phương đang tiếp tục thống kê tình hình và tập trung lực lượng khắc phục, tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, ngập úng đã xảy ra trên diện tích 134.669 ha, trong đó Nam Định (38.704 ha), Thái Bình (40.000 ha), Thanh Hóa 36.750 ha, Phú Thọ (859 ha), Hưng Yên (400 ha), Hà Nam (9.928 ha), Ninh Bình (927 ha), Nghệ An (6.800 ha), Hà Tĩnh (301 ha).
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió Đông trên cao nên từ ngày 12/10 ở Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa; khu vực Hòa Bình-Sơn La, vùng đồng Bằng Bắc bộ, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình sáng 12/10 có mưa to, có nơi mưa rất to.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, cảnh báo: Ngập úng vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Ninh Bình, địa phận TP. Yên Bái (Yên Bái), huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ). Rủi ro thiên tai cấp 2-3.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông tại các huyện: Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Rủi ro thiên tai cấp 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt đất vùng núi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Qùy Châu, Quế Phong, Qùy Hợp (Nghệ An); Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Rủi ro thiên tai cấp 1.
Về tình hình hồ chứa thủy điện: Sau khi mở liên tiếp 08 cửa, đến 7h30 ngày 12/10, hồ Hòa Bình đã lần lượt đóng 05 cửa xả đáy, hiện còn mở 03 cửa xả đáy. Theo báo cáo ngày 12/10/2017 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương: Trong số 166 hồ cập nhật thông tin, có 56 hồ xả qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung tăng.
Về hồ chứa thủy lợi: Theo báo cáo số 74/BCN-ATĐ ngày 11/10/2017 của Tổng cục Thủy lợi, tình hồ chứa thủy lợi như sau: Các tỉnh Bắc bộ: tổng số 2.984 hồ (286 hồ chứa lớn, 2.698 hồ chứa nhỏ); Có 85/286 hồ chứa lớn đã đạt hoặc xấp xỉ đạt ngưỡng tràn tự do. Các hồ chứa nhỏ cơ bản đã đạt hoặc xấp xỉ ngưỡng tràn tự do; riêng tại Bắc Giang và Lạng Sơn, mực nước các hồ còn thấp hơn ngưỡng tràn tự do từ 1-3,5m.
Các tỉnh Bắc Trung bộ: tổng số 1.920 hồ (132 hồ chứa lớn, 1.788 hồ chứa nhỏ). Các hồ chứa lớn: Có 74/132 hồ đã đạt hoặc xấp xỉ ngưỡng tràn tự do, trong đó: Thanh Hóa 24/26 hồ, Nghệ An 27/37 hồ; Hà Tĩnh 23/29 hồ; còn lại mực nước thấp hơn ngưỡng tràn tự do từ 0,5 - 1,5m. Trong tổng số 32 hồ có cửa van có 11 hồ đang xả nước. Trong đó hồ Cửa Đạt xả cao nhất 3.600m3/s vào ngày 11/10, đến 8h30 ngày 12/10 đã đóng các cửa xả, mực nước thượng lưu hồ ở mức 110,1m/ngưỡng tràn tự do 110m.
Về sự cố hồ: Tại Hòa Bình: Đập hồ Cháu Mè bị sạt mái hạ lưu (hồ có dung tích 400.000 m3); hiện địa phương đang xử lý. Tại Thanh Hóa: Hồ Ông Già (huyện Tĩnh Gia) bị tràn qua đỉnh đập 10cm. Hiện nước đã rút về ngưỡng tràn tự do. Mưa lớn đã làm vỡ 12m đập Cồ Bương (Cẩm Thủy) và sạt mái hồ Đập Cầu (Hà Trung), chiều dài sạt 60m. Hiện nay địa phương đang khắc phục sự cố trên. Tại Nghệ An: Đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 100 nghìn m3) do mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập. Tại Hà Tĩnh: Đập hồ chứa Cố Châu (dung tích 300 nghìn m3) tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc bị vỡ với với chiều dài 28m, sâu từ 3m - 3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810 m3.
Để ứng phó với thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1533/CĐ-TTg ngày 11/10/2017 chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập. Sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu các đoàn công tác đi chỉ đạo ứng phó mưa lũ tại Hòa Bình, Ninh Bình.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có các Công điện khẩn: số 77/CĐ-TW hồi 11h00 ngày 11/10/2017 gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ; số 78/CĐ-TW hồi 20h ngày 11/10/2017 gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành để chỉ đạo ứng phó diễn biến mưa lũ.
Ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra và triển khai ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hệ thống công trình hồ chứa, đê điều tại tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.
Ngày 11/10, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã dẫn đầu đoàn công tác phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hòa Bình kiểm tra công tác xả lũ, vận hành hồ chứa Hòa Bình, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, các tỉnh hạ du hồ chứa và hệ thống đê điều.
Các Bộ: Công an, Y tế đã có Công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai ứng phó với diễn biến mưa lũ.
Tổng cục Phòng chống thiên tai có các công văn số: 251/PCTT-QLĐĐ; 255/PCTT-QLĐĐ; 256/PCTT-QLĐĐ ngày 11/10/2017 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra đê điều, hộ đê đảm bảo an toàn trước diễn biến xả lũ hồ chứa; Công văn số 257/PCTT-QLĐĐ gửi tỉnh Ninh Bình về sẵn sàng vận hành công trình phân lũ theo phương án được phê duyệt.
Tổng cục Thủy lợi đã có Công điện số 09/CĐ-TCTL-QLCT hồi 18h00 ngày 11/10/2017 về việc tăng cường tiêu úng và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi khu vực đồng bằng Bắc bộ, Tây Bắc và Bắc Trung bộ.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, ngập lụt, xả lũ hồ chứa, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Hoà Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có công điện, văn bản chỉ đạo chủ động các biện pháp ứng phó, sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm. Tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn.
Về kết quả sơ tán dân, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán 13.123 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn (Thanh Hóa 12.969 hộ, Nghệ An 154 hộ). Tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch sơ tán 309 hộ dân/1.321 khẩu vùng xả lũ cống Mai Phương, 3.331 hộ dân/13.134 khẩu vùng xả tràn Lạc Khoái, huyện Gia Viễn và di dời dân vùng trũng thấp tại 7 xã thuộc huyện Nho Quan phòng trường hợp phải xử lý vận hành tràn Lạc Khoái và tràn Đức Long-Gia Tường. Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức di dời trên 300 hộ dân, gồm: 80 hộ hạ du hồ Cháu Mè, 58 hộ hạ du hồ Hòa Bình và một số hộ dân vùng trùng thấp, nguy cơ sạt lở đất. Tỉnh Yên Bái đã tổ chức di dời và bố trí nhà ở tạm cho 153 hộ trong vùng nguy hiểm.
Những công việc cần triển khai tiếp theo: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ; cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tiếp tục kiểm tra, phát hiện và tập trung xử lý kịp thời các hư hỏng về đê điều, hồ đập, nhất là các trọng điểm xung yếu để chuẩn bị cho các đợt mưa lũ tiếp theo.
Tiếp tục rà soát, huy động lực lượng triển khai sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, hạ du các hồ chứa; các trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai việc di dời dân đến nơi an toàn đảm bảo an toàn.
Bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các trọng điểm, các ngầm tràn bị ngập lũ; các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông nhanh nhất.
Chủ động tiêu úng cho các diện tích lúa và hoa màu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.
Thực hiện nghiêm Công điện số 1533/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.