Miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông: Chính sách ưu việt

Miễn, hỗ trợ học phí là chính sách nhân văn, thể hiện tính ưu việt được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

mien-hoc-phi-1-2284.jpg
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Ninh Bình) hướng dẫn học sinh thực hành làm sản phẩm STEM “Cây gia đình”.

Từ năm học 2025 - 2026, trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được miễn, hỗ trợ học phí.

Giải tỏa gánh nặng tài chính

Theo bà Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá), Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông của các cơ sở giáo dục trong hệ thống quốc dân (Nghị quyết) là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đồng thời thể hiện rõ quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nền tảng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển mạnh mẽ đã đặt ra yêu cầu cao về nguồn nhân lực.

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước cho biết thêm, Nghị quyết là luồng gió mới tươi mát, nhằm tiếp bước đến trường cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của Thanh Hóa.

Chị Nguyễn Thị Thu (Đa Phúc, Hà Nội) không khỏi xúc động và vui mừng cho biết, hai vợ chồng làm công nhân nên thu nhập không khá giả. Để giảm áp lực tài chính, chị phải làm thêm mấy sào lúa. Từ năm học 2025 - 2026, chủ trương miễn học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông thành hiện thực. Với chị Thu, đây là thông tin giá trị và ý nghĩa. Gia đình trút bỏ được gánh nặng tài chính - điều khiến chị luôn đau đáu suy tư, trăn trở mỗi khi các con bước vào năm học mới.

Chị Thu có 5 con, con gái đầu lên lớp 11 học trường THPT ngoài công lập, đứa thứ 2 học lớp 8, 3 đứa còn lại học tiểu học và mẫu giáo. “5 con đang tuổi ăn học, nên các khoản chi phí khiến vợ chồng tôi ‘hoa mắt’ khi vào năm học. Cố gắng lắm, chúng tôi chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho các con. Với việc miễn học phí, vợ chồng tôi sẽ tiết kiệm chi tiêu để lo cho các con ăn, học đầy đủ”, chị Thu phấn khởi nói.

mien-hoc-phi-2-9821.jpg
Học sinh mầm non của Hà Nội tham gia ngày hội sáng tạo năm học 2024 - 2025.

Công bằng trong tiếp cận giáo dục

Theo bà Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Nghị quyết là bước tiến lớn của Việt Nam trong việc xây dựng nền giáo dục nhân văn và bền vững, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ, bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết có tác động tích cực góp phần thay đổi cuộc sống hàng triệu gia đình, đặc biệt người lao động nghèo, gia đình công nhân ở các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Hơn nữa, chính sách hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở dân lập, tư thục rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay hệ thống tư thục góp phần đáng kể vào việc mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các đô thị đông dân cư và khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, con cái các gia đình công nhân học tại các trường tư thục nhiều do thời gian lao động không cố định.

“Khi giáo dục trở thành quyền lợi thực sự thì mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức mà không bị giới hạn bởi hoàn cảnh kinh tế, đó chính là nền tảng để Việt Nam bứt phá và vươn xa”, bà Trần Khánh Thu nhìn nhận.

Đồng quan điểm, bà Vương Thị Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang ghi nhận, các chính sách trong Nghị quyết nhân văn, thiết thực, thể hiện rõ trách nhiệm chính trị và cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong bảo đảm quyền học tập, công bằng trong tiếp cận giáo dục của mọi công dân, chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ và đảm bảo an sinh xã hội.

“Tôi tán thành quy định, chính sách hỗ trợ học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo khung học phí Chính phủ quy định. Quy định này đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, vừa giữ được sự thống nhất trong thực hiện chính sách trên toàn quốc, tránh tình trạng chênh lệch hoặc bất bình đẳng giữa các vùng, miền”, bà Vương Thị Hương nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang viện dẫn, tại Hà Giang (trước khi sáp nhập với Tuyên Quang) có gần 70.000 trẻ em trong độ tuổi mầm non và gần 200.000 học sinh phổ thông. Phần lớn, các em học tại cơ sở giáo dục công lập trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, khả năng tự cân đối ngân sách hạn chế. Do đó việc thực hiện chính sách miễn học phí sẽ tạo áp lực lớn lên ngân sách địa phương, nhất là khi phải bảo đảm thực hiện chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả.

Từ thực tế đó, bà Vương Thị Hương đồng thuận với chủ trương tại Nghị quyết số 196 ngày 17/05/2025 của Quốc hội về việc chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách miễn hỗ trợ học phí và các nhiệm vụ khác. Đây là quyết định kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Trung ương đối với các địa phương, nhất là địa phương miền núi, vùng sâu, xa, nơi điều kiện sống của người dân còn nhiều thiếu thốn nhưng nhu cầu học tập và vươn lên của con em rất lớn.

mien-hoc-phi-3-9438.jpg
Một lớp học của Trường Liên cấp THCS, Tiểu học tư thục Ngôi Sao Hà Nội.

Khẩn trương ban hành hướng dẫn, cơ chế

Để chính sách đi vào cuộc sống, bà Vương Thị Hương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường vai trò điều tiết của ngân sách Trung ương để hỗ trợ kịp thời cho những địa phương không đủ khả năng cân đối ngân sách, tăng cường tính công bằng trong phân bổ ngân sách gắn với tiêu chí, mức độ khó khăn, nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện của từng địa phương, đảm bảo phân bổ đủ ngân sách, nguồn lực cho các cơ sở giáo dục nơi trực tiếp thực hiện chính sách, nhất là các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, khoản thu học phí vẫn là một trong những nguồn thu quan trọng trực tiếp phục vụ cho hoạt động chi thường xuyên của nhà trường; đặc biệt các khoản chi liên quan đến hỗ trợ giảng dạy, chăm sóc học sinh, duy tu cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và trả thù lao cho một số bộ phận hợp đồng ngoài biên chế.

Nghị quyết nêu rõ kinh phí thực hiện chính sách này do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định hiện hành và giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức nghị quyết. Từ nay đến tháng 9/2025 (thời điểm Nghị quyết chính thức áp dụng vào thực tiễn) không còn dài, do đó bà Nguyễn Thị Việt Nga nêu vấn đề, việc ngân sách Nhà nước cấp bù cho khoản miễn học phí như thế nào đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập để các trường tiếp tục hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng giáo dục và không ảnh hưởng tới quyền lợi học sinh cũng như điều kiện làm việc, giảng dạy của đội ngũ nhà giáo từ đầu năm học. Đây là việc cần khẩn trương làm, bởi nếu cấp bù kinh phí chậm trễ có thể ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường.

Từ thực tiễn nêu trên, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương ban hành các phương án hướng dẫn, cơ chế cấp bù kinh phí cho các cơ sở giáo dục đảm bảo để khi nghị quyết này có hiệu lực. Qua đó, bảo đảm việc tổ chức dạy - học và giáo dục diễn ra thuận lợi, thông suốt từ đầu năm học mới. Đại biểu đoàn TP Hải Phòng cũng tán thành với chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập như Nghị quyết đã đề cập.

Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội có báo cáo chi tiết về tác động ngân sách theo cơ cấu đối với từng cấp học và loại hình cơ sở giáo dục. Trong đó, kinh phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng/năm học cho 418.850 học viên.

Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng để bao quát hết các đối tượng là trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, đối tượng yếu thế; Nghị quyết của Quốc hội nêu: Hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ đóng học phí do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo khung học phí do Chính phủ quy định nhưng không vượt mức thu học phí của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Về kinh phí thực hiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết quy định, kinh phí thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách. Ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí theo quy định của pháp luật.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách khoảng 30.600 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí phải chi trả theo các quy định được ban hành về miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 là 22.400 tỷ đồng; số kinh phí phải đảm bảo thêm để thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết là 8.200 tỷ đồng.

Đối với số kinh phí dự kiến tăng thêm, Quốc hội đã ban hành nghị quyết chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 26/6/2025 và áp dụng từ năm học 2025 - 2026. Trước đó, có khoảng 10 tỉnh/thành phố hỗ trợ học phí năm học 2024 - 2025 cho học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn.

giaoducthoidai.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Xã Cốc San: Gần 200 cán bộ, người dân được tập huấn “Bình dân học vụ số”

Xã Cốc San: Gần 200 cán bộ, người dân được tập huấn “Bình dân học vụ số”

Sáng 26/7, Đảng ủy xã Cốc San tổ chức tập huấn “Bình dân học vụ số”, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phổ cập kĩ năng số cho cán bộ, đảng viên và nhân dân xã; phát động thi đua cao điểm 30 ngày đêm hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Lào Cai: Hàng nghìn căn nhà vượt chuẩn, "về đích" sớm

Lào Cai: Hàng nghìn căn nhà vượt chuẩn, "về đích" sớm

Tỉnh Lào Cai không chỉ hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm trước mốc 31/8/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng, mà còn tạo dấu ấn sau sáp nhập (Lào Cai, Yên Bái) với hàng nghìn căn nhà mới kiên cố, giá trị thực tế cao gấp nhiều lần mức hỗ trợ Nhà nước.

fb yt zl tw