Tại các buổi làm việc với hai tập đoàn công nghệ số nổi tiếng trên thế giới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao sự phối hợp của Meta và Google đối với các chương trình, dự án quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch Việt Nam, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa cũng như quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tiếp đoàn tại Văn phòng của Meta, Tiến sĩ Simon Milner, Phó Chủ tịch Meta châu Á-TBD cho biết thị trường Việt Nam rất đặc biệt đối với Meta, các chương trình hợp tác của Meta tại thị trường này khá toàn diện, từ phát triển nguồn lực, thúc đẩy kinh tế đến quảng bá văn hóa.
Bà Thảo Nguyễn, Giám đốc Chính sách công thị trường CLMV cho biết Văn phòng làm việc của Meta luôn là môi trường đa văn hóa, văn minh và sáng tạo; hiện tại có khoảng 50 người Việt Nam làm việc tại trụ sở của Meta Singapore. Bà Thảo cũng cho biết thời gian qua Meta tự hào được đồng hành trong các chương trình quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam trên các nền tảng của mình như Facebook, Instagram, đặc biệt tới đây khán giả trên toàn thế giới sẽ có cơ hội được khám phá Việt Nam thông qua chương trình Hành trình kỳ thú (Let's feast Việt Nam) do Công ty BHD phối hợp với Meta và Bộ VHTTDL thực hiện dự kiến phát sóng trên Netflix tháng 8/2023.
Đối với Google, văn phòng tại Singapore với hơn 3.000 người làm việc trong đó có khoảng 200 người Việt Nam là văn phòng duy nhất ở châu Á TBD có đội ngũ kỹ thuật làm việc. Bà Rachel Teo, Giám đốc các vấn đề Chính phủ và Chính sách công khu vực châu Á-TBD cho biết hiện nay tập đoàn có 150 văn phòng ở 60 nước trên thế giới và dự kiến trong thời gian tới sẽ mở văn phòng tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh trọng tâm của Google là hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số với mục tiêu "Là một đối tác có ích và có trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam nhằm tạo cơ hội số cho mọi người dân".
Ông Paul Smith, Quản lý trực tiếp kênh Youtube Âm nhạc khu vực châu Á-TBD cho biết YouTube là nền tảng âm nhạc lớn nhất thế giới với 2 tỉ người xem, đặc biệt YouTube Music Premium mới ra đời đã đạt 80 triệu người đăng ký vào năm 2022. Các số liệu của YouTube cũng cho thấy người Việt Nam rất yêu âm nhạc do vậy những tiện ích của YouTube đã và đang mang lại cơ hội cho không chỉ các nghệ sĩ âm nhạc mà cả khán giả, người nghe, người xem. Theo đó, ông đề xuất Bộ VHTTDL chú trọng giáo dục về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả để làm nền tảng căn bản cho ngành công nghiệp kinh doanh âm nhạc phát triển lành mạnh, giúp âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với thế giới, đồng thời đề xuất Bộ hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ quảng bá các tác phẩm âm nhạc của họ ra khu vực và thế giới thông qua các nền tảng số như YouTube.
Bà Liên Nguyễn phụ trách các vấn đề Chính phủ và Chính sách công thị trường Việt Nam cùng các đồng nghiệp đã trình bày tổng thể các dự án, chương trình hợp tác của Google với Việt Nam trong thời gian qua như phát triển nền tảng, kỹ năng công nghệ số, an toàn không gian mạng, kết nối văn hóa Việt Nam với thế giới thông qua Google Arts and Culture, Google Doodle, Google Search... Theo đó, Google đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, hỗ trợ kết nối để Google có thể khai thác các nội dung văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam đưa vào nền tảng số hóa điểm đến, giúp quảng bá nhanh nhất, mạnh mẽ nhất hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận các đề xuất hết sức thiện chí và tích cực của Meta và Google, đồng thời cho biết trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vừa qua việc Quốc hội Việt Nam thông qua việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam quan tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này, làm nền tảng cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, mạnh mẽ.
Trước đề xuất của Google, Thứ trưởng Thủy cho biết sẽ giao các đơn vị chức năng của Bộ tích cực phối hợp, hỗ trợ Google trong các chương trình, hoạt động quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch tại Việt Nam. Thứ trưởng cũng đề nghị trong thời gian tới Google hỗ trợ các chương trình, dự án quảng bá, bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật truyền thống của Việt nam thông qua các nội dung được tạo ra bởi các nhà sáng tạo nội dung trẻ, các nghệ sĩ trẻ đương đại trong hành trình khám phá, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam; hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể thông qua nền tảng số; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nội dung số.