Hành trình về với mẹ là quãng thời gian dài vô cùng đối với anh. Ngồi trên xe với tốc độ tối đa mà anh cứ mơ ước giá như mình mọc thêm đôi cánh - điều ước rất trẻ con mà vẫn cứ mong ước và hy vọng…
Làng quê anh đây rồi! Sau rặng tre, đường vào làng anh, cái ngõ dài quen thuộc, cái sân gạch, bậc thềm mọi lần mẹ vẫn ra đón anh đây rồi…
Mẹ ơi! Anh ào vào nhà. Trong nhà, mọi người đã đông đủ ngồi bên mẹ. Anh như nghẹt thở. Mẹ nằm đó, thân hình nhỏ bé, mái tóc bạc trắng, mắt nhắm nghiền, hơi thở nhè nhẹ như chẳng hề đớn đau...
Lặng ngắm nhìn mẹ, như thể sợ làm mẹ giật mình. Mọi kỷ niệm thuở ấu thơ ùa về như một cuốn phim quay chậm. Mẹ của anh với dáng hình thon thả, đôi bàn tay không lúc nào ngơi nghỉ mà ánh mắt hiền từ, nụ cười vẫn đầy ắp trên gương mặt đẫm mồ hôi. Còn nhớ, những ngày chiến tranh, nhà khó khăn, ông bà ngoại già yếu, 5 anh em còn quá nhỏ chưa giúp được mẹ nhiều, sáng nào anh cũng theo mẹ dậy sớm thổi cơm, Anh nhớ rất rõ cái nồi cơm nhỏ xíu chỉ đủ một suất người ăn mà mẹ vẫn dành chia đủ cho mọi thành viên trong gia đình. Mẹ chỉ ăn vội củ khoai rồi lại sấp ngửa với những công việc đồng áng. Trong những người con của mẹ thì anh được mẹ cưng chiều hơn cả, có lẽ vì anh sáng dạ, chịu khó học hành và luôn đạt thành tích học tập tốt... Cứ thế, anh miên man trong dòng hồi ức: anh thấy mái rạ xưa, bậc thềm kia - nơi 5 anh em cất tiếng khóc chào đời, dò dẫm những bước đi đầu tiên và cũng chính nơi ấy chứng kiến ông bà và người cha thân yêu của anh trút hơi thở cuối cùng… Chỗ này đây, khi xưa cha thường khêu đèn dầu cho sáng hơn trong mỗi bữa cơm đạm bạc, những bữa tiệc ngày giỗ tết; nơi ồn ào những cuộc tranh luận của 5 anh em… Cái sân gạch kia, anh nhớ những đêm trăng, nằm trên chiếc chõng giữa sân nghe ông kể chuyện Thánh Gióng, tiếng giã gạo thậm thịch đều đều của mẹ như một điệp khúc còn vang vọng đâu đây... Anh thấy mình như đang tắm mình dưới ánh trăng. Những trận đòn anh không bao giờ quên được chỉ vì mải chạy theo cánh diều no gió mà để trâu lạc mãi tận làng bên… Lúc này anh thèm quá! Thèm được trở về tuổi thơ đắm mình trong kỷ niệm. Anh lại muốn được đánh đòn, muốn được sà vào vòng tay của mẹ mà thơm, mà hít cái mùi mồ hôi nồng nàn, ấm áp… Thân quen biết nhường nào!
Chiến tranh liên miên. Các anh chị lần lượt xung phong vào bộ đội. Anh ở lại học hết cấp III và tham gia sản xuất cùng cha mẹ, đóng góp lúa gạo cho miền Nam kháng chiến. Ở làng này, ai cũng tấm tắc khen anh học giỏi và thông minh. Bố mẹ đã động viên anh thi vào đại học. Mẹ nói: “Dù khó khăn thế nào thì cả nhà cũng nên có một người học hành đến nơi đến chốn”.
Anh xa gia đình lên Hà Nội học. Những ngày đầu nhớ nhà, nhớ mùi khói rạ, lắm khi anh muốn bỏ về với mẹ.
Ngày anh tốt nghiệp đại học cũng là ngày đất nước vẹn tròn niềm vui toàn thắng. Anh xung phong lên miền núi công tác và xây dựng gia đình. Những khó khăn của thời bao cấp tưởng như không thể vượt qua… Mẹ vẫn gửi cho anh từng ống gạo quê, những bơ lạc, bơ đỗ từ đồng bãi quê hương thấm đẫm tình yêu thương và bao nỗi nhọc nhằn của mẹ…
Rồi cuộc sống cứ cuốn đi, hết chuyện riêng tư, gia đình rồi lại chuyện công tác, xã hội. Công việc anh hoàn thành xuất sắc và khẳng định được vị trí của mình. Nhưng càng thành công, anh càng thấy xa mẹ quá, thời gian anh dành cho mẹ càng ít đi. Mỗi năm, anh chỉ gần mẹ được vài ngày hoặc là vào dịp tết. Nhiều khi anh cũng có ý định đón mẹ lên với mình nhưng mẹ không nỡ xa quê, mẹ bảo: “Con luôn ở trong mẹ! Con thành đạt là mẹ vui, mẹ hạnh phúc rồi!”. Với mẹ, xa quê là xa mái nhà, góc sân, mảnh vườn - nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người chồng của mẹ đã từng sống ở đây. Mẹ thật hạnh phúc khi ngày ngày được nhìn ngắm những kỷ vật của người xưa…
Anh khuỵu người ôm ghì lấy mẹ. Hơi ấm của mẹ mới ngọt ngào, quen thuộc làm sao! Với anh, mẹ là tất cả! Mẹ vẫn nằm bất động, nhè nhẹ thở nhưng sao như anh thấy mẹ đang mỉm cười với anh. Anh nghẹn ngào: “Mẹ ơi, con đã về với mẹ !”.
Như Anh