Trưa 11/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, lũ trên sông Hồng tiếp tục xu hướng tăng. Đến 10h sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đã lên mức 11,02 m, thấp hơn mức báo động 3 là 0,48 m.
Theo ông Khiêm, đây được đánh giá là trận lũ đặc biệt, lâu rồi mới gặp, mức lũ tại Hà Nội trên mức 11 m đã xảy ra cách đây 20 năm (năm 2004)...
Theo dự báo, trong những giờ tới, mực nước tại sông Hồng sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên diễn biến sẽ chậm.
Với mực nước này thì vùng hạ du của các sông hầu hết sẽ lên mức báo động 3.
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục KTTV nhận định, đây là đợt lũ hiếm gặp. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thao, sông Lô nhiều điểm đo đều trên mức báo động 3, điểm đo trên sông Thao còn vượt giá trị lịch sử.
Theo dự báo, trong vòng 6 tiếng tới, mực nước của các sông sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo ông Hòa, hiện tại, tình trạng ngập úng ở ven các sông chính như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy đã xảy ra. Trong khoảng 6h tới, mực nước các sông chính này tiếp tục tăng, sẽ đạt mức dưới báo động 3 khoảng 20 cm sau đó có thể chững lại.
Lũ trên các sông nhánh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ đang ở mức báo động 3 nên có nguy cơ ngập úng diện rộng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, nước sông Hồng lên nhanh nên trong khu vực ven đê các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên,... đã xảy ra hiện tượng ngập úng. Khả năng 6 tiếng tới, nguy cơ này vẫn còn hiện hữu.
Ngoài ra ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đan Phượng, Chương Mỹ, Đông Anh, Sơn Tây, Phúc Thọ,... sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của các hệ thống sông nhỏ, sẽ gây ra hiện tượng ngập úng cục bộ.
"Trong đó nguy cơ lớn nhất là khả năng xảy ra ngập úng kéo dài tại Chương Mỹ. Nguyên nhân là do mực nước sông chính rất cao nên khó thoát nước ra phía ngoài...", ông Hòa cảnh báo.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo KTTV, Tổng cục KTTV cho biết, người dân Hà Nội không nên quá hoang mang bởi lũ và ngập lụt chỉ có thể xảy ra tại khu vực ngoài đê (như khu vực Phúc Tân, Phúc Xá, đường Bạch Đằng...) không thể nào xảy ra ngập vào trong nội đô.