Cũng theo Phó trưởng Công an huyện Bảo Thắng, ngày 9/9, Công an huyện tiếp nhận thông tin chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Giám đốc Công an tỉnh về việc 2 tàu lớn cột chặt vào nhau đang trôi trên sông Hồng, phương tiện này có thể tác động, gây hư hỏng cho công trình cầu qua sông. Ngay lập tức đơn vị đã triển khai các tổ công tác nắm tình hình và có phương án khống chế tàu trôi dạt, đảm bảo giao thông trên cầu đường sắt và cầu Phố Lu.
Trong đó Công an huyện đã huy động các lực lượng tại chỗ, vận động người có kinh nghiệm sông nước, điều khiển tàu thuyền tham gia tiếp cận, tìm cách neo giữ hai tàu trôi dạt. Đến khoảng 21 giờ ngày 9/9, anh Nguyễn Quốc Đại, sinh năm 1987, tổ dân phố Phú Long I, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng và 2 người đàn ông cùng nơi cư trú đã nhận tham gia tiếp cận 2 tàu vô chủ.
Trong lúc này, Công an huyện Bảo Thắng lập 4 chốt chặn 2 đầu cầu Phố Lu, không cho người dân qua lại để đề phòng tàu lớn đâm va làm hỏng trụ, gây sập cầu.
Kể với phóng viên Báo Lào Cai, anh Đại cho hay, khoảng hơn 20 giờ ngày 9/9, anh được người bạn nhờ ra sông cột lại neo một tàu cát đang có nguy cơ bị đứt cáp. Khi tới khu vực bờ sông, anh được 2 cán bộ công an đang có mặt tại đây thông báo sự việc.
Những gì anh Đại được thông tin là 2 phương tiện này rất lớn, có thể va chạm, gây hư hại cho cầu đường sắt và cầu đường bộ Phố Lu. Không suy nghĩ nhiều hơn, anh Đại và hai người trong thôn là anh Vũ Văn Biên và anh Vũ Văn Tuyên quyết định nhận nhiệm vụ. Các anh đã bàn và thống nhất phương án dùng một thuyền cỡ nhỏ "cưỡi" sóng, chạy ngược sông Hồng để kiếm tìm hai tàu trôi dạt.
Đến khu vực cầu My (địa giới giáp ranh xã Thái Niên và thị trấn Phố Lu), các anh phát hiện 2 tàu là những khối sắt thép đen sì đang lao phăng phăng theo dòng nước lũ.
Không quản nguy hiểm, anh Đại nói với anh Biên và anh Tuyên quay mũi thuyền, cố gắng tiếp cận gần nhất tàu trôi dạt để mình nhảy qua đó. Hai tàu quá lớn, tàu của anh Đại lại nhỏ nên nếu áp sát quá gần có thể bị hất văng, vậy là chỉ còn một cách: “Tới gần rồi nhảy sang”, anh Đại quả quyết.
Giữa đêm tối, cú nhảy “định mệnh” của anh Đại đã thành công, kiểm tra nhanh cả hai tàu đang được neo chặt vào nhau anh phát hiện trên tàu không một bóng người, thậm chí là nó có thể đã bị bỏ hoang phế lâu ngày, bởi có nhiều cỏ dại mọc trên đó.
Làm thế nào để điều khiển được hai khối sắt này giữa dòng nước lũ để nó không đâm va vào mố 2 cầu Phố Lu là câu hỏi được anh Đại băn khoăn nhất. Vốn có công việc chính là lái xe ô tô cho công trình, cộng thêm kinh nghiệm sông nước, hiểu biết về máy móc, tàu bè nên ít phút sau anh Đại đã khởi động được 1 trong 2 chiếc tàu trôi dạt nổ máy.
Làm chủ được phương tiện, anh điều khiển tàu chậm lại để anh Biên và Tuyên cùng lên tàu hỗ trợ mình vượt qua gầm 2 cầu Phố Lu an toàn. “Đêm tối, cũng chưa bao giờ lái loại tàu to như thế, mà lại 2 tàu dính vào nhau giữa cơn nước lũ cuồn cuộn. Ban đầu, tôi cũng lóng ngóng, run run nhưng rồi bình tĩnh, tập trung, cuối cùng cũng đưa được nó vào bờ”, anh Đại tâm sự.
Đến khoảng hơn 23 giờ cùng ngày, tức là sau 2 tiếng vật lộn với hai tàu lớn trôi dạt, cuối cùng anh Đại, anh Biên, anh Tuyên cũng đã lai dắt, điều khiển phương tiện vượt hai cầu an toàn và đưa chúng vào bờ tại thôn An Thắng, xã Sơn Hà.
Trước đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái đã phát đi cảnh báo về sự nguy hiểm đối với công trình cầu vượt sông từ hai tàu cỡ lớn đang trôi dạt. Trong khi chưa có phương án tối ưu thì "người hùng" Nguyễn Quốc Đại và hai cộng sự đã khống chế và điều khiển hai tàu vượt qua 2 gầm cầu, đưa chúng vào bờ an toàn.
Kịp thời neo buộc 1 tàu hút cát của Trung Quốc trôi trên sông Hồng
Khoảng 8h30’ ngày 10/9/2024, trong quá trình triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện 1 tàu hút cát của Trung Quốc trôi trên sông Hồng từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vào địa bàn thành phố Lào Cai.
Để chủ động phòng ngừa, không để tàu trôi va đập vào các cầu khác và các công trình trên sông, Đại tá Cao Minh Huyền, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an thành phố Lào Cai phối hợp cùng các thuyền viên, người đánh bắt cá có kinh nghiệm sử dụng dây thừng neo buộc tàu trên vào vị trí ổn định, bảo đảm an toàn.