1. Khảo sát tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh... cho thấy, công tác sắp xếp đơn vị hành chính gắn với tinh giản biên chế được triển khai tương đối quyết liệt. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cũng nảy sinh nhiều vấn đề mà lãnh đạo địa phương vẫn đang đau đầu tìm cách giải quyết; nhất là những vướng mắc, tồn tại trong việc sắp xếp được thực hiện theo cơ chế, các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn về diện tích, dân số được sáp nhập với nhau; hoặc sắp xếp các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm đầu mối
Từ cách thức vận hành này mà nhiều xã sau khi sáp nhập có địa giới hành chính rất lớn, dân số tăng lên rất đông, khối lượng công việc nhiều, nhưng tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) xã không được vượt quá quy định của Chính phủ. Ví như tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai), xã Quan Hồ Thẩn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Quan Thần Sán, Cán Hồ và Mản Thẩn. Đồng chí Giàng Seo Châu, Bí thư Đảng ủy xã Quan Hồ Thẩn cho biết, sau khi sáp nhập, xã có diện tích rộng bằng cả một huyện dưới xuôi. Từ trung tâm xã xuống đến bản xa nhất cũng mấy chục cây số, đi lại rất vất vả, trong khi cán bộ xã thiếu, chất lượng chưa đồng đều nên lãnh đạo xã gặp nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành và triển khai các nhiệm vụ.
“Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, địa giới hành chính là việc không khó, nhưng cái khó là sắp xếp con người. Từ khi 3 xã sáp nhập làm một thì vấn đề khiến cho cấp ủy, chính quyền địa phương đau đầu tìm cách giải quyết là chuyện sắp xếp CB, CC, VC dôi dư. Trong khi chính sách hỗ trợ chưa đủ để giúp các đối tượng này ổn định cuộc sống hay bắt đầu công việc khác”-đồng chí Giàng Seo Châu nhấn mạnh.
Tại tỉnh Quảng Ninh, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, tổng số CB, CC, VC của TP Hạ Long tăng đột biến với tổng số hơn 4.100 người. Điều này đặt ra áp lực, thách thức rất lớn cho TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh trong việc bố trí, sắp xếp CB, CC, VC. Số lượng cán bộ đông, để tổ chức bộ máy vận hành hiệu quả, không chồng chéo là bài toán khó. Đó là chưa kể, sau sáp nhập, nhiều CB, CC, VC có nhà ở cách nơi làm việc mới quá xa, từ vài chục đến hàng trăm cây số nên ít nhiều tác động đến chất lượng công việc.
2. Kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh cho thấy, mặc dù việc sắp xếp nhân sự sau sáp nhập đơn vị hành chính là việc cấp bách nhưng không thể không thận trọng từng bước. Việc bố trí, sắp xếp nhân sự không chỉ đặt trong phạm vi các đơn vị sáp nhập mà còn trong toàn tỉnh. Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tiến Dương, tại TP Hạ Long, ngoài những người thuộc diện nghỉ chế độ, những người còn lại đều có phương án sắp xếp vào vị trí phù hợp. Cụ thể là sắp xếp vào các sở, ban, ngành nếu đáp ứng được chuyên môn công tác; hoặc luân chuyển sang các đơn vị cấp huyện khác trong tỉnh. Quá trình luân chuyển, cán bộ phải hướng đến bảo đảm tính hợp lý, tạo thuận lợi nhất cho công việc. Để đạt được kết quả này phụ thuộc phần lớn vào tinh thần quyết liệt, chủ động của địa phương, từ việc chủ động rà soát các đơn vị hành chính không đủ tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích, dân số... đến việc chủ động trong công tác cán bộ.
Mặc dù vậy, không phải địa phương nào cũng triển khai quyết liệt, hiệu quả được như tỉnh Quảng Ninh khi sáp nhập đơn vị hành chính, gắn với tinh giản biên chế. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Nội vụ, thời gian qua, cả nước đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít vấn đề đặt ra trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; nhất là việc giải quyết số CB, CC, VC dôi dư sau khi đã sắp xếp, sáp nhập ở cấp huyện, xã. Cũng theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tính chung trong thực hiện tinh giản biên chế trên phạm vi cả nước, đến ngày 30-6-2022, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản hơn 79.000 CB, CC, VC (trong đó các bộ, ngành khoảng 5.500 người; địa phương hơn 73.500 người). Nếu tính theo đối tượng thì số viên chức được tinh giản biên chế chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 66,115%; CB, CC cấp xã chiếm 19,020%. Tính theo chính sách được hưởng, đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi chiếm 81,813% và đối tượng hưởng chính sách thôi việc ngay chiếm 18%...
Từ số liệu trên thấy rằng, mặc dù tinh giản biên chế có đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, có nghĩa chỉ giảm những người “tinh” mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc, gắn với đánh giá chất lượng CB, CC, VC một cách thực chất. Bên cạnh đó, có những trường hợp CB, CC, VC tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế.
Như vậy, tinh giản biên chế vẫn là một câu hỏi hóc búa mà nhiều nơi chưa thể tìm ra lời giải căn cơ. Biên chế giảm nhưng chưa tinh; nơi này giảm, nơi khác lại tăng lên hay việc sắp xếp CB, CC, VC sau khi sáp nhập cơ quan, đơn vị hành chính... đang là vấn đề lớn đặt ra cho hệ thống chính trị ở tất cả các cấp.