Theo dữ liệu của Công ty Tư vấn hàng hải Drewry, giữa tháng 7/2024, mức cước vận tải giao ngay của một container hàng hóa 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) đã đạt mức 9.387 USD. Con số này cao gấp đôi so với hồi tháng 2/2024.
Bà Đào Mỹ Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty May mặc Dony thông tin, về đơn hàng, doanh nghiệp rất yên tâm cho giai đoạn từ nay đến Tết Nguyên đán, khi Dony ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng 30-40%. Tuy nhiên, giá cước đang là nỗi lo ngại lớn nhất.
Mới đây nhất, Dony xuất khẩu một đơn hàng sang Trung Đông, thay vì khách hàng trả 1.500 USD/container 40 feet, thì phải bỏ ra gấp 6 lần. Đây là con số rất cao, không chỉ khiến tiến độ nhập khẩu giảm đi rất nhiều, mà còn ảnh hưởng đến giá bán từ Dony và đối tác đến người tiêu dùng.
“Trung Đông là một trong những thị trường chủ lực của Dony, chiếm gần 50% doanh thu của chúng tôi. Từ nay đến cuối năm, giá cước vận tải phụ thuộc nhiều vào tình hình địa chính trị trên thế giới. Trong bối cảnh thế giới còn bất ổn, tôi nghĩ giá cước sẽ không giảm trong thời gian tới”, bà Mỹ Linh lo ngại.
Giá cước tàu biển tăng chóng mặt khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chịu loại phí này đang “say sóng” vì giá hàng hóa bị đội lên cao.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, tính đến tháng 8/2024, hoạt động xuất khẩu của GC Food có phần chậm lại, đạt trên 50% so với kế hoạch đề ra và bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình đơn hàng giảm sút đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có chi phí vận tải biển tăng cao. Các tuyến hàng từ Việt Nam đi đến các nước khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc đều tăng khoảng 200%; đến Nhật Bản, Ấn Độ tăng 150%, trong khi đây là các thị trường chủ lực của GC Food.
Không những chi phí vận chuyển tăng, mà chi phí về tỷ giá cũng tăng, dẫn đến việc mua hàng của đối tác bị chậm lại. Trong khi đó, giá trị hàng nông sản không cao (khoảng 10.000-15.000 USD/container), nhưng cước vận tải lại đang ở mức 2.000-3.000 USD/container.
Các doanh nghiệp dự báo, giá cước vận tải biển vẫn neo cao trong thời gian tới. Tình hình này không chỉ gây áp lực lớn cho những cơ sở lưu trữ lượng hàng tồn kho cao, mà còn khiến các đơn vị sản xuất như ngồi trên đống lửa.
Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha chia sẻ: “Chi phí vận tải hiện nay quá cao, gấp 3-4 lần, ăn mòn đồng lãi của doanh nghiệp. Với chi phí này, chúng tôi đang xây dựng nhiều kế hoạch ngắn hạn, thay cho kế hoạch dài hạn như giai đoạn trước để giảm thiểu tác động bởi giá cước vận tải”.
Dệt may và da giày là hai ngành có độ mở lớn, khi xuất khẩu tới 70 - 80% sản lượng. Các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nhiều vào giá cước vận tải biển, đồng thời rất dễ bị tổn thương trước biến động của thị trường thế giới.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH May mặc Dony đã chuyển hướng sang những thị trường có tính bình ổn nhất định như Đông Nam Á, một vài quốc gia ở khu vực châu Phi… “Đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh rất dữ dội, nhưng lại thuận lợi về logistics. Chi phí và thời gian vận chuyển rất phù hợp, đặc biệt, ở một vài thị trường, chi phí logistics không chịu quá nhiều tác động bởi tình hình địa chính trị. Đây là lựa chọn hợp lý và an toàn trong bối cảnh hiện nay”, đại diện Công ty Dony nói.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, giá cước tàu vận chuyển đường biển biến động theo từng tuần và khó đoán định, tiếp tục ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu giai đoạn cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Thứ cho biết, theo ghi nhận của doanh nghiệp, cước tàu đã giảm 10-15% so với giai đoạn đỉnh điểm khi xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực của GC Food.
“Các hãng tàu có thông báo cho chúng tôi, dự kiến tháng 9 này, chi phí vận tải có thể sẽ giảm thêm 10%. Đây là tín hiệu rất tốt, nếu giá tàu giảm từ 20-30% so với giai đoạn đỉnh điểm cũng đã tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cho dịp lễ, Tết”, Chủ tịch HĐQT GC Food phấn khởi.
Tuy nhiên, theo ông Thứ, thông tin này mới chỉ là dự báo, chưa nói trước được nhiều. Tình hình địa chính trị vẫn đang rất căng thẳng ở Trung Đông, châu Âu, biển Đỏ… Do vậy, thay vì trông mong giá cước giảm, GC Food tiếp tục rà soát các hoạt động đang gây lãng phí nguồn lực, không mang lại nhiều hiệu quả để bãi bỏ, nhằm giảm giá thành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường mới, trong đó có Ấn Độ và đã nhận được những đơn hàng đầu tiên. Đây là một trong những nỗ lực của doanh nghiệp trong thời gian qua.