Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành, phát triển

Tối 30/12, tại Quảng trường Lâm Viên (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành, phát triển (1893 - 2023) và đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành, phát triển.

Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, các địa phương và hàng ngàn người dân, du khách.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương những thành quả về kinh tế - xã hội mà tỉnh Lâm Đồng cũng như thành phố Đà Lạt đạt được trong năm 2023 trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Đồng thời, thành phố Đà Lạt vừa được gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc là tín hiệu rất vui mừng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thành phố Đà Lạt cần có sự phát triển phù hợp với định hướng phát triển vùng Tây Nguyên, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quyết tâm xây dựng Thành phố Đà Lạt là trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên, đưa Đà Lạt trở thành một địa phương phát triển quan trọng của vùng, của đất nước, điểm kết nối quan trọng với khu vực và thế giới. Thành phố cần hoạt động tích cực và phát huy tốt vai trò thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó góp phần thúc đẩy gia tăng giá trị đóng góp mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế địa phương.

Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành, phát triển và đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO là sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt trong năm 2023. Sự kiện nhằm khơi dậy niềm tự hào về thành phố anh hùng, thành phố Festival hoa Việt Nam, ôn lại lịch sử quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt. Đồng thời đánh giá những thành tựu kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa từ đó khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Tại buổi lễ, đại diện của UNESCO tại Việt Nam đã trao thư xác nhận thành phố Đà Lạt chính thức gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc” cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt.

Tái hiện cuộc gặp gỡ định mệnh của bác sỹ Alexandre Yersin với cư dân K’Ho Lạch - cột mốc quan trọng đánh dấu thời điểm hình thành phố núi Đà Lạt ngày nay.

Sau phần nghi lễ, chương trình đưa khán giả vào một câu chuyện sử thi được kể bằng âm nhạc, múa hát, biểu diễn cồng chiêng tái hiện quá trình 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Từ miền đất hoang sơ với cư dân người K’Ho Lạch sinh sống, sau khi được nhà thám hiểm bác sĩ Alexandre Yersin tìm ra và đề xuất Toàn quyền Đông Dương xây dựng cao nguyên Lang Biang trở thành trung tâm nghỉ dưỡng Đông Dương chính là khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển của Đà Lạt ngày nay. Trải qua 130 năm với không ít thăng trầm, Đà Lạt hiện đã trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, "thành phố Festival Hoa Việt Nam".

Các nghệ sỹ, diễn viên biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Theo UBND thành phố Đà Lạt, diện mạo thành phố từng bước đổi thay, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - thanh lịch - mến khách”. Hiện du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm thành phố đón trên 6 triệu lượt khách. Đà Lạt 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á. Không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt cũng là đầu tàu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Theo Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

49 năm non sông liền một dải

49 năm non sông liền một dải

49 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Việt Nam từ một nước nghèo, đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, từng bước giành những thắng lợi to lớn, trở thành một trong những quốc gia thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Bế mạc Ngày hội văn hóa dân gian xã Nghĩa Đô năm 2024

Bế mạc Ngày hội văn hóa dân gian xã Nghĩa Đô năm 2024

Tối 29/4, tại sân chợ văn hóa xã Nghĩa Đô, UBND huyện Bảo Yên tổ chức giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), trao giải một số hoạt động văn hóa, thể thao cấp huyện và bế mạc Ngày hội văn hóa dân gian xã Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông” lần thứ 2, năm 2024.

Kể chuyện "Đường lên Điện Biên" qua các tác phẩm mỹ thuật

Kể chuyện "Đường lên Điện Biên" qua các tác phẩm mỹ thuật

Những ngày cả nước hướng về Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, triển lãm chuyên đề “Đường lên Điện Biên” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Ngày 28/4, UBND thị xã Sa Pa phối hợp với Công viên Văn hóa Mường Hoa Sa Pa tổ chức Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa" với các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trò chơi, biểu diễn văn hóa dân gian Tây Bắc hấp dẫn.

Âm nhạc quảng bá du lịch

Âm nhạc quảng bá du lịch

Những cảnh quay giới thiệu vẻ đẹp, đất nước con người Việt Nam kết hợp âm nhạc đang là cánh tay nối dài trong việc quảng bá du lịch Việt Nam.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

fb yt zl tw