Thời tiết những ngày cuối tháng 4 này không có những cái nắng chang chang đổ lửa, hanh khô như lệ thường nhờ được tưới mát bằng những cơn mưa đan xen. Trong phòng khách của ngôi nhà đổ mái bằng rợp bóng xoài, cựu chiến binh Tô Văn Đảng, tổ 11, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) cùng đồng đội là cựu chiến binh Phạm Trọng Hiệp nâng niu, lần giở kỷ vật chiến trường được lưu giữ suốt 56 năm qua.
Đó là tờ giấy đã cũ bạc, sờn mép, thêm vài vết rách ngang, trên đó là bản viết tay danh sách cán bộ, chiến sĩ Đoàn apatit II với 72 người được huy động từ các bộ phận của Mỏ apatít để bổ sung cho các đơn vị quân đội chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở mặt chính của kỷ vật, bên phải là lời bài hát “Hành khúc ra thao trường” của nhạc sĩ Đông Tác, bên trái là hình lá cờ Quyết thắng. Suốt những năm tháng chiến đấu tại mặt trận các tỉnh phía Nam, ông Đảng luôn mang theo bên mình kỷ vật này. Giờ đây, đã thành thông lệ, cứ độ tháng 4 là ông Đảng lại cùng đồng đội lần giở kỷ vật và lẩm nhẩm lời ca trong Hành khúc ra thao trường, trong đó có đoạn: “Toàn quân ta vui cất bước ra nơi thao trường, dù gian nan, khó khăn nào xá chi... Miền Nam kia, tiền tuyến lớn kêu gọi ta. Vượt Trường Sơn vào giải phóng miền Nam, cho thống nhất nước nhà mau chóng. Quê hương đó đang sớm hôm trông chờ đợi ta...”.
Ông Đảng sinh năm 1940, quê ở tỉnh Thái Bình. Năm 20 tuổi, ông lên Lào Cai đăng ký làm công nhân Mỏ apatit. Đầu năm 1968, ông Tô Văn Đảng quyết định đăng ký nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đến năm 1971 bị thương sau một trận đánh nên ông được chuyển ra Bắc và trở về công tác tại Mỏ apatit đến năm 1991 thì nghỉ hưu.
Nhập ngũ cùng ngày với ông Đảng, cựu chiến binh Phạm Trọng Hiệp được biên chế vào đơn vị trinh sát, phạm vi hoạt động ở hầu hết các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung nước Lào, đến năm 1977 thì ra quân và tiếp tục về công tác tại Mỏ apatit đến năm 1990 thì nghỉ hưu.
Đó còn là câu chuyện hết sức cảm động về cựu chiến binh Trần Văn Nhuận, sinh năm 1947, tổ 8, phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai), nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I. Trong lúc kể chuyện, ông Nhuận đã cho tôi xem vết thương do bom đạn trên cơ thể ông, đó là những vết hằn, đường dài nâu thẫm chằng chịt trên bụng và trên ngực ông, thương tật đó khiến ông đến nay không thể đứng thẳng mà phải ngồi ở tư thế nghiêng. Cựu chiến binh Trần Văn Nhuận sau này được xác định là thương binh hạng 4/4, bệnh binh ảnh hưởng 75% sức khỏe.
Cựu chiến binh Trần Văn Nhuận kể, năm 1967, trong khí thế sục sôi cả nước tham gia đánh Mỹ xâm lược, ở tuổi 20, ông tình nguyện nhập ngũ bằng lá đơn ký bằng máu của mình. Ngày 30/7/1967, tỉnh Lào Cai quyết định thành lập đơn vị vũ trang mang tên Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I với 150 người để chi viện cho chiến trường miền Nam, ông Nhuận được biên chế vào đơn vị này. Sau thời gian huấn luyện tại Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đến tháng 2/1968, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I mang phiên hiệu PR27 bắt đầu “Nam tiến”.
Năm 1969, ở chiến trường khốc liệt là tỉnh Quảng Trị, ông Nhuận bị thương tật với mức độ tổn hại 29% sức khỏe. Sau hơn 1 tháng điều trị, chàng trai 22 tuổi quyết định làm một việc chưa có tiền lệ là lên gặp chính ủy sư đoàn khẩn cầu được sửa hồ sơ thương tật xuống còn 21% để tiếp tục được ở lại đơn vị chiến đấu. Cảm tình trước tinh thần hy sinh của chiến sĩ, sư đoàn đã quyết định cho ông Nhuận tiếp tục ở lại đơn vị, tham gia chiến đấu ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Năm 1969, trong một trận chiến, ông Nhuận bị thương lần thứ 2 và lần này ông được đưa về tuyến sau điều trị rồi làm cán bộ khung của trung đoàn, sau đó chuyển công tác tới Học viện Kỹ thuật quân sự, đến năm 1980 về lại Sư đoàn 355 bảo vệ biên giới tại Lào Cai, đến năm 1984 xuất ngũ sau 17 năm chiến đấu, công tác trong quân đội.
Nhớ lại một thời hào hùng, ông Nhuận kể: Hôm tiễn Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I lên đường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trường Minh tặng mỗi anh em 5 tờ giấy pu-luya, 5 con tem để viết thư. Đi Thái Nguyên vào Nam suốt mấy tháng ròng, ngày nghỉ, đêm thức trắng để hành quân. Vật chất thiếu thốn, gian lao, gian khổ nhưng được đi đánh giặc, tinh thần ai cũng hăng hái.
Cựu chiến binh Ma Công Thắng, sinh năm 1941, trú tại tổ 7, phường Pom Hán, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I và Hoàng Liên Sơn II cho biết, danh sách những người đang sinh sống của 2 tiểu đoàn tại Lào Cai và các tỉnh miền xuôi hiện nay là 54 người.
Ông Thắng nhập ngũ năm 1963, biên chế đơn vị pháo cao xạ bảo vệ các công trình quan trọng tại Nam Định, Sơn Tây (nay là Hà Nội) rồi sau đó là bảo vệ Mỏ apatit Lào Cai. Tháng 8/1968, tỉnh thành lập Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II, ông Thắng được phân công là Chính trị viên Tiểu đoàn với nhiệm vụ chuyển quân vào tham gia chiến đấu tại tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Do đường ra Bắc lúc này bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt nên ông Thắng được Bộ tư lệnh miền Nam giữ lại để trực tiếp chiến đấu, biên chế tại đơn vị có phiên hiệu Đoàn 2115, B2, S9. Ông từng trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn ở miền Đông Nam Bộ như trận Phú Mỹ, Bến Cát, Thủ Dầu Một. Năm 1971, ông được phân công ra Bắc để đi đào tạo tại Học viện Chính trị, sau đó về công tác làm cán bộ khung Tiểu đoàn Trung Dũng, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979 tại huyện Si Ma Cai. Năm 1982, ông Thắng về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Lào Cai, đến năm 1988 thì nghỉ hưu.
Điều khiến ông Thắng tự hào là gia đình ông có 3 thế hệ nối tiếp là Bộ đội Cụ Hồ. Bố của ông là cụ Ma Văn Thưởng, đội du kích Hiền Lương, năm 1945 vào bộ đội, năm 1972 nghỉ hưu. Nay con trai ông Thắng là thiếu tá Ma Công Dũng đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và vợ anh Dũng là thiếu tá Lê Thị Nguyệt Thanh cũng đang công tác cùng đơn vị với chồng.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh với chiến thắng ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam có một phần đóng góp không nhỏ của quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Theo lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh, tính riêng giai đoạn 1965 đến năm 1968, tỉnh Lào Cai có 3.402 người nhập ngũ, bổ sung cho các đơn vị bộ đội chủ lực, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Trên các chiến trường, con em các dân tộc Lào Cai đã dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công, nhiều người được tặng danh hiệu “Dũng sĩ giữ nước”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng, xe cơ giới địch”. Tiêu biểu như chiến sĩ Ma Văn Thặng được tặng 2 danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Dũng sĩ diệt xe tăng, xe cơ giới địch”; danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” đã được trao cho những cái tên khác như Đại đội trưởng Hoàng Công Ngư, Tiểu đoàn trưởng Kiều Việt Đường, Trung đội trưởng Đặng Biên Phòng, chiến sĩ Giàng A Phừ, Ly Seo Giàng, Ly Seo Chẩn, Vàng Văn Ánh... Tính trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Lào Cai đã huy động 22.779 đoàn viên, thanh niên nhập ngũ, trong đó có 15.402 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến trường miền Nam.
Lào Cai còn huy động 550 thanh niên xung phong, hàng nghìn dân công hỏa tuyến, hơn 18 nghìn dân quân, tự vệ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Về vật lực, tỉnh đã huy động 350 ô tô, máy kéo, 28 phà thuyền, góp 8 vạn ngày công làm các đường tiếp tế, chi viện; huy động 10 nghìn công ngựa thồ, hơn 6 nghìn công xe quệt, xe kéo để vận chuyển 30.050 tấn hàng hóa phục vụ chiến đấu...
Đại thắng mùa Xuân 1975 là bản hùng ca tự hào của dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường, trong đó có một phần âm hưởng của Lào Cai. Cho đến muôn đời sau, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai có quyền tự hào về điều đó.