Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng 79 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai, đồng chí Nguyễn Thành Sinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành tham dự.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, hội nghị là dịp nhìn lại 21 năm thực hiện ngoại giao kinh tế, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương tận dụng cơ hội từ thị trường quốc tế, thúc đẩy đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp thúc đẩy ngoại giao kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác nước ngoài, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam.


Nhiều ý kiến đề xuất tập trung gỡ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban Châu Âu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác khoa học – công nghệ, không chỉ đưa chuyên gia quốc tế vào Việt Nam mà còn kết nối chuyên gia nước ngoài với các lĩnh vực cụ thể trong nước.

Tại điểm cầu Lào Cai, theo báo cáo của Sở Ngoại vụ tỉnh, 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,56 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 1,2 tỷ USD.
Tỉnh hiện có 69 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 1,16 tỷ USD, đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, Lào Cai đã tiếp nhận 13 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng trị giá cam kết khoảng 155 tỷ đồng, tập trung vào giáo dục vùng cao, sinh kế phụ nữ dân tộc thiểu số và phát triển du lịch bền vững.
Hiện tỉnh đang triển khai 6 dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi với tổng vốn khoảng 6.000 tỷ đồng, nổi bật là dự án phát triển nông thôn thích ứng thiên tai (JICA) và hạ tầng đô thị (ADB). Đồng thời, tỉnh phối hợp triển khai Dự án GREAT 2 thúc đẩy bình đẳng giới trong sản xuất nông nghiệp và du lịch.
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Lào Cai xác định tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế theo định hướng Chính phủ, phát huy lợi thế cầu nối giao thương giữa Việt Nam, ASEAN và Tây Nam Trung Quốc; tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng (khu vực Bản Vược – Bá Sái), kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Đồng thời đẩy mạnh nâng cấp các cặp cửa khẩu, chợ biên giới và thúc đẩy triển khai mô hình “Du lịch chợ nổi sông Hồng, sông Nậm Thi”.
Tỉnh cũng tăng cường làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng kết nối với các địa phương nước ngoài mới, tạo thế đan xen lợi ích kinh tế lâu dài. Tiếp tục nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển toàn diện của tỉnh. Tỉnh sẽ tăng cường thu hút nguồn lực quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài, chú trọng xúc tiến đầu tư có trọng điểm, phù hợp thế mạnh địa phương và thúc đẩy phát triển toàn diện – bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tổ chức định kỳ các hội nghị với trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động quan trọng nhằm kết nối kinh tế trong nước với kinh tế toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và liên kết quốc tế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp thiết thực của các cơ quan đại diện, cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào vào sự phát triển chung của đất nước.
Về tình hình 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng đánh giá kinh tế – xã hội tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được đảm bảo; bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn; quốc phòng – an ninh, độc lập – chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Nhấn mạnh vai trò then chốt của ngoại giao kinh tế trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện phải chủ động nắm bắt, dự báo sát tình hình khu vực và thế giới; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp cho Đảng, Nhà nước; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, đầy đủ về Bộ Ngoại giao.
Khẳng định rõ định hướng đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh: xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa – đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; qua đó thúc đẩy hội nhập sâu rộng, hiệu quả, phục vụ tái cơ cấu và phát triển bền vững nền kinh tế.
Đối với Bộ Ngoại giao, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đối ngoại, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ...