Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đồng nghĩa với sự phát triển của Lào Cai trong tương lai đang đứng trước những thách thức lớn. Biến đổi khí hậu không những làm thay đổi chế độ mưa và nhiệt độ trong tỉnh, mà còn tác động đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do tác động của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, băng giá, sương muối, rét đậm, rét hại và hạn hán không chỉ có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ, mà còn diễn biến bất thường, không theo quy luật. Những thay đổi của khí hậu và các hiện tượng cực đoan khí hậu theo kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật của Bộ Tài nguyên và Môi trường được dự báo tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, tỉnh đã xây dựng và lồng ghép các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn bằng những việc làm cụ thể. Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã làm tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Kết quả là tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt 96%, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý triệt để tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và nhà máy xử lý đạt 75%. Tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Ở nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố, 100% hộ đã thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Chất lượng môi trường nông thôn về cơ bản được cải thiện thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, các cấp, các ngành đã bám sát tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Các thôn, bản, các xã nông thôn mới duy trì vệ sinh môi trường vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật hằng tuần và tổ chức các đợt vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh. Nhiều địa phương có vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đã canh tác nông - lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, canh tác theo hướng nông nghiệp bền vững, kinh tế nông nghiệp xanh, an toàn. Điển hình như huyện Mường Khương phát triển mô hình trồng quýt VietGAP; huyện Bắc Hà duy trì sản xuất vùng chè hữu cơ Bản Liền, vùng quế hữu cơ Nậm Đét… Các cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn đã sử dụng biện pháp an toàn sinh học, xử lý triệt để rác thải để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, không khí và nguồn nước. Điển hình như một số trang trại chăn nuôi tập trung của Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền, Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến (huyện Bảo Thắng).
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm. Các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý tại các khu vực trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, khu vực khai thác khoáng sản, các nhà máy trọng điểm luyện kim màu. Cùng với đó, triển khai xây dựng hệ thống quan trắc khí, nước thải online và yêu cầu các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp có phát sinh lượng khí thải, nước thải lớn lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục khí thải, nước thải… Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Đối với các đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, hầu hết chấp hành các quy định trong quản lý, vận hành và kiểm soát chất lượng khí thải.
Do vậy, tỉnh luôn xác định bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09 ngày 11/12/2020 về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Ngày 18/1/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 25 về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Lào Cai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 65 ngày 8/2/2023 về thực hiện Đề án Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025.