Chẳng biết mình nghĩ vậy có hợp tình, hợp lý không, nhưng thực tế diễn ra thì dường như đúng như vậy thật.
Mùa đông của tự nhiên là sự khắc nghiệt và thanh lọc, mùa xuân là thời kỳ phát triển của vạn vật. Còn mùa đông và mùa xuân của xã hội loài người thì lại có quan niệm khác: Nó không có thời gian cụ thể và cái gì khó khăn thì gọi là “mùa đông”, cái thuận lợi và phát triển thì gọi là “mùa xuân”…
Khi cái lạnh vẫn còn thoảng qua nơi ngọn gió, bầu trời như bừng sáng, những lứa hoa đầu tiên bắt đầu chớm nở, đàn chim én chao liệng trên bầu trời thoáng đãng, cuộc sống của vạn vật như sôi động, con người cũng chuẩn bị đón mùa xuân mới. Đó là khoảng thời gian đặc biệt của giao mùa, chúng ta có thể cảm nhận sự thay đổi của thiên nhiên và hy vọng vào những điều tốt đẹp của ngày mai. Vậy, những ngày xuân đầu tiên ở Lào Cai sau tái lập tỉnh, tháng 10/1991 như thế nào nhỉ?
Sau ngày tái lập, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai bước vào xây dựng “ngôi nhà mới” đúng vào mùa đông. Cái sự chuyển mùa của tự nhiên, có lẽ chẳng bao giờ khác nhau cả, vì đấy là việc của đất, của trời. Nhưng sự đón Xuân 1992 của con người Lào Cai thời ấy thì khác. Lúc tái lập, kinh tế - xã hội vô vàn khó khăn. Còn nhớ, có lần tôi được đi dự một hội thảo quốc tế về “Bảo vệ văn hóa lúa nước ruộng bậc thang”, biết tôi đến từ Lào Cai, một nhà báo quốc tế có hỏi: “Xin ông phác họa đôi nét về cuộc sống của đồng bào vùng cao ở Lào Cai xưa kia?”. Trả lời được câu hỏi này trong vài phút đâu có dễ. Người ta bảo mình “phác họa”, chứ có phải nghe mình đọc báo cáo đâu! Lúc đó, tôi chợt nhớ tới một bài cúng của người Dao xin thần linh phù hộ, trong đó có mấy câu: “Mong thần linh ban cho đầu rắn như đá, chân cứng như đồng, lợn, gà nhiều như sỏi đá, hạt lúa to như quả báng…” nên đã nói với nhà báo thay câu trả lời. Phóng viên đó nghe dịch xong, vội bắt chặt tay tôi cảm ơn, rồi nói đại ý: Người vùng cao khổ quá… Nhưng, cái khổ ấy đã thành văn hóa!
Vâng! Tôi ngẫm lại: Người vùng cao nói chung và ở Lào Cai ngày xưa nói riêng đúng là như vậy đấy, chỉ biết cầu xin thần linh thôi! Còn ngày hôm nay thì khác...
Sau ngày tái lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã trải qua 7 nhiệm kỳ cùng Nhân dân các dân tộc xây dựng cuộc sống mới. Người và đất Lào Cai cũng như vạn vật dạn dày với sự khắc nghiệt của mùa đông, đã tự thanh lọc để phát triển. Sau 30 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì ở mức cao, bình quân đạt khoảng 10%/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,2%; mạng lưới giao thông đã về tới thôn, bản; điện lưới quốc gia, viễn thông, thiết bị trong nhà ở nông thôn cũng chẳng khác đô thị là mấy. Còn về sản xuất công nghiệp, du lịch và dịch vụ, sau 30 năm tái lập, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 37 nghìn tỷ đồng; du lịch Sa Pa đã có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thu hút hàng triệu lượt khách đến với Lào Cai…
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Đưa Lào Cai là tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025”. Tôi cứ mường tượng: Những người đã trải qua “mùa đông” trước ngày tái lập tỉnh và họ đã chuyển đi nơi khác, mùa xuân này mới được trở lại Lào Cai và được một nhà báo phỏng vấn những cái mình nhìn thấy thì họ sẽ nói gì?...
Người ta thường nhắc đến câu “con số biết nói”, chỉ cần chấm phá đôi chút về những con số ở “mùa đông” và “mùa xuân” qua hai thời kỳ trước và sau tái lập tỉnh thì ai cũng thấy rõ: Đúng là “mùa xuân đã về” với Nhân dân các dân tộc Lào Cai! Nhưng chính mùa đông lại giúp ta thanh lọc - thế giới tự nhiên là vậy mà, cuộc sống của chúng ta cũng thế! Thanh lọc là sự loại bỏ cái không còn phù hợp, giữ lại những mầm sống cho mùa xuân. Trong khoảnh khắc giao thừa, chúng ta cùng tri ân những thế hệ đã bước ra từ “mùa đông” để chúng ta có “mùa xuân” như hôm nay!