Giữa lòng thành phố Lào Cai có một “ngôi làng” bình yên, được ví như “ốc đảo xanh” với đầy đủ nét đẹp truyền thống đặc trưng của dân tộc Tày mà ai đã ghé thăm đều muốn quay trở lại.
Những ngày này, đến tổ 11, phường Bình Minh (thành phố Lào Cai), đâu đâu cũng thấy không khí lao động hăng say, nhộn nhịp của bà con. Đàn ông làm đất, phụ nữ nhổ cỏ, bón phân cho hoa, rau, màu. Thi thoảng điểm xuyết vào bức tranh ấy là những tán cây xanh, màu ngói đỏ của ngôi nhà mới xây. Tất cả tạo nên bức tranh nhà nông thật đẹp.
Dẫn chúng tôi đi trên đường vào “làng”, bà Pờ Thị Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bản sắc dân tộc khu dân cư số 5 giới thiệu: Tổ 11, phường Bình Minh trước đây thuộc xã Cam Đường, thành phố Lào Cai. Cả tổ có 179 hộ với 658 nhân khẩu, trong đó hơn 80% cư dân là người Tày. Người dân bao đời nay sống quây quần, đoàn kết, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, cùng trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc.
Trước đây, người dân thờ Thành hoàng làng dưới gốc cây to nhất làng, sau chuyển sang khu vực đền Đôi Cô. Cứ vào ngày tết người Tày (2/2 âm lịch), cả tổ dân phố lại cùng nhau chuẩn bị thủ lợn, luộc gà, làm bánh sừng, đồ xôi bảy màu dâng lên Thành hoàng làng. Trong ngày lễ linh thiêng ấy, 100% người dân mặc trang phục truyền thống, hát dân ca, múa bát cổ của dân tộc Tày và mời thầy cúng về cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, người dân có nhiều sức khỏe, may mắn trong cuộc sống.
Trong dòng chảy nhộn nhịp của đô thị, cả “ngôi làng” ấy trở mình mạnh mẽ nhưng vẫn mang trong mình dáng dấp riêng với khung cảnh yên bình, thoáng đãng, vừa có nét cổ xưa, vừa có nét hiện đại. Những đường trục chính tới nhà dân được mở rộng, những nếp nhà hiện đại được mọc lên giữa những mảng màu xanh của ruộng đồng. Trước đây, 100% người dân sống bằng nghề cấy lúa, trồng rau, nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sang trồng hoa, cây ăn quả ngắn ngày.
Năm 2005, gia đình ông Mã Xuân Hùng, tổ 11, phường Bình Minh đã mạnh dạn chuyển đổi 3.000 m2 đất cấy lúa 2 vụ sang trồng hoa hồng. Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa, đến nay ông Hùng đã có cơ ngơi khang trang, thu nhập ổn định. Điều mừng nhất là nhiều bà con trên địa bàn đã đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sau giờ làm nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, các cô, các chị lại cùng nhau tới nhà văn hóa của tổ dân phố tập luyện múa hát những làn điệu dân ca của dân tộc Tày. Trực tiếp truyền dạy điệu múa bát cho mọi người, bà Lương Thị Trưởng cho biết: Múa bát là điệu múa cổ của người Tày được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất. Điệu múa đã tồn tại suốt bao đời nay, gắn bó máu thịt và trở thành tài sản tinh thần quý giá, một phần không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Tày. Trải qua những thăng trầm lịch sử, điệu múa này vẫn được bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mặc dù nằm trong sự phát triển chung của thành phố nhưng người dân ở đây đều cố gắng duy trì và gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình từ trang phục, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt hằng ngày cho tới những lễ hội truyền thống... Các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính cộng đồng cao thường xuyên được tổ chức. Ở đây không chỉ bảo tồn trang phục, đồ dùng của đồng bào Tày, mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, ngôn ngữ, ẩm thực, trò chơi truyền thống, hát then, nghi lễ tâm linh. Các gia đình luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để con cháu học và giao tiếp bằng tiếng Tày. Nhà nào có sự kiện vui sẽ cùng nhau hát múa các làn điệu của dân tộc mình.
Ngoài ra, cư dân ở tổ 11 vẫn thường có tục “đổi sức” để cùng nhau làm những việc lớn như dựng nhà, lấy chồng, gả vợ cho con cái, thu hoạch hoa màu... Trong dịp tang ma, cưới hỏi, mọi người trong làng đều đến góp sức. Đó là những nét đẹp truyền thống tương thân, tương ái vẫn được đồng bào Tày ở đây gìn giữ và phát huy.
Tổ 11 là 1 trong 2 tổ dân cư của phường còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày. Nơi đây có sự hội tụ của cảnh sắc tự nhiên, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán đậm đà bản sắc. Chị em thường xuyên mặc trang phục truyền thống, múa hát những điệu múa dân gian, cùng nhau quây quần trong những dịp lễ hội. Cũng trong không gian ấy, có sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, bà con chăm chỉ làm ăn, để không hộ nào thuộc diện đói, nghèo.