Lặng lẽ những đời văn - cuốn sách vừa giành giải B Giải thưởng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương 2022 là như thế.
Để viết phê bình, người cầm bút luôn quan tâm đến tiểu sử tác giả, những câu chuyện bên lề, đời sống cá nhân… qua đó phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của họ vào tác phẩm. Ông chia sẻ: “Tôi chủ yếu đi tìm tư liệu về cuộc đời các nhà văn. Bởi tôi luôn nghĩ, bên cạnh thơ văn chính tiểu sử của họ cũng là một tác phẩm mang rất rõ dấu ấn của giai đoạn lịch sử. Nếu hào hùng là âm hưởng chính của các tác phẩm thì cuộc đời không ít tác giả lại có ‘niềm đau này xin giấu dưới thịt da’ như câu thơ Thu Bồn”.
Đọc Lặng lẽ những đời văn, chúng ta được kết nối với các tác giả thuộc nhiều thể loại, nhiều thế hệ. Từ thơ của Hoàng Cầm, Thi Sảnh… tiểu thuyết của Y Ban, Kiều Bích Hậu…, cho đến phóng sự, ký sự, truyện ngắn, tự truyện, kịch, kịch bản phim. Từ những người gạo cội đã khuất như nhà văn Tô Hoài, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh cho đến thế hệ cây bút trẻ Bình Nguyên Trang, Nguyễn Ngọc Tư…
Ngô Thảo đọc nhiều thể loại, cởi mở và dễ dàng dung nạp cái mới nên Lặng lẽ những đời văn thật đa màu sắc mà mới đọc tưởng chừng toàn chuyện “lùa thùa” trong giới nghệ sĩ, nhưng rồi lại thấy cuốn sách như muốn “nâng đỡ, bù đắp, ru lòng ai đó”.
Đây là dạng viết phê bình đặc biệt khó. Nếu không phải là một người “bạn hiền” trong giới bởi cái tính quảng giao hồn hậu như nhà văn Ngô Thảo thì chắc hẳn khó lòng chắp bút.
Đó là nỗi niềm day dứt khi phải viết điếu văn cho những người nghệ sĩ có tầm vóc lớn như vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Là nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về chiến tranh không hận thù. Là nhà văn Tô Hoài viết văn hay còn thêm viết kịch. Tác giả Ngô Thảo bắc cầu nối giữa văn học với điện ảnh như trường hợp Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, ông dành hẳn ba bài viết vẫn chưa hết chuyện…
Không chỉ mạnh về phê bình văn học, tác giả Ngô Thảo còn lăn lộn trong lĩnh vực sân khấu với vai trò Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu. Làm quản lý, ông viết báo, viết tham luận hội thảo, các góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng, thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ và những ý kiến trao đổi trên nhiều diễn đàn văn học nghệ thuật… được tập hợp trong Phần hai của cuốn sách.
Nhà văn Ngô Thảo nhạy bén trong việc nhận diện và đánh giá, luôn đau đáu về nền văn hóa nước nhà. Có lẽ vì thế mà ở cái tuổi “bát thập”, càng ý thức được sức mạnh của thời gian ông càng năng nổ viết sách, đồng thời tham gia nhiều sự kiện đối thoại không định kiến. Cách ông dấn thân khiến cho những người trẻ cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh.
Chương cuối cùng khá ngắn với các bài viết của bạn văn về nhà văn Ngô Thảo. Vậy là kết thúc cuốn sách dày gần 500 trang mà ở đó ông viết về người và người cũng viết về ông.
Tuy vẫn còn một số nội dung có thể cô đọng lại trong một cuốn sách khá là bề bộn, nhưng dưới góc độ một tuyển tập đậm chất tư liệu văn học thì Lặng lẽ những đời văn là bộ sưu tập những câu chuyện không dễ lãng quên.
Nhà văn Ngô Thảo sinh năm 1941, tại Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Viện Văn học, từng có thời gian mặc áo lính ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1971, nhà văn Ngô Thảo về làm biên tập viên, Trưởng ban Lý luận Phê bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1986, ông chuyển ra làm ở nhiều cơ quan khác nhau như Tạp chí Sân khấu, Nhà xuất bản Sân khấu... Ông trải qua 2 nhiệm kỳ Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Ngô Thảo được biết đến trên văn đàn như một nhà lý luận phê bình điềm đạm. Ông là tác giả của 12 cuốn sách bao gồm lý luận phê bình, biên soạn, ghi chép. Tuyển Tiểu luận Phê bình văn học của Ngô Thảo do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010 là những tổng kết về sự chiêm nghiệm của ông về nền văn học Việt Nam và những chân dung văn học không thể nào không kể đến.
Ông từng đoạt các giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995 với tác phẩm Như cuộc đời; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với Văn học về người lính; Giải thưởng Bộ Quốc phòng với Dĩ vãng phía trước; Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật năm 2012.