Khoảng 1 tháng nay, gia đình chị Hoàng Thị Hằng đông vui và công việc cũng tất bật hơn. Tay vừa thoăn thoắt cắt ống lam, chị Hằng vừa kể, những ngày giáp tết, khách đặt hàng nhiều nên gia đình phải thuê thêm 5 nhân công làm bánh chưng và cơm lam. Ngày thường chị làm khoảng 800 ống cơm lam, nhưng ngày giáp tết phải làm khoảng 1.200 ống và có thể hơn, tùy thuộc lượng đặt hàng. Thời điểm bắt đầu cho một mẻ cơm lam mới là ngâm gạo từ 10 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau sẽ vớt gạo, nhồi vào ống nứa rồi luộc chín và cuối cùng là hút chân không, đóng gói sản phẩm để gửi đi.
Với món cơm lam, gia đình chị Hằng không chỉ phục vụ khách trong tỉnh mà còn cả khách các tỉnh khác đặt hàng qua mạng internet, nhiều nhất là các tỉnh, thành miền Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Tây Ninh, Vũng Tàu… Chị Hoàng Thị Hằng chia sẻ thêm, để có được những ống cơm lam thơm ngon thì điều quan trọng nhất là phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng; phải căn thời gian ngâm gạo, tạo màu cho cơm bằng củ nghệ, lá dứa nếp, cây cẩm tím, cẩm đỏ…
Gia đình chị Nông Thị Mai cũng nhộn nhịp với việc gói bánh chưng, bánh gù. Mặc dù không phải thuê người làm nhưng cả gia đình chị gồm hai vợ chồng và 2 con đều luôn chân tay. Chị Nông Thị Mai cho biết, bình thường mỗi tuần, cùng với việc làm cơm lam, gia đình chị còn làm khoảng 100 chiếc bánh chưng, bánh gù truyền thống của người Giáy. Vào ngày tết, mỗi ngày gia đình làm thêm từ 200 - 300 chiếc bánh chưng vuông phục vụ các gia đình bày ban thờ, thắp hương, còn bánh chưng gù đen là món ăn đặc sản quen thuộc.
Thôn Ún Tà có 131 hộ thì có tới 40 hộ ở một khu vực làm nghề bánh chưng, cơm lam, người dân ở đây gọi khu vực đó với cái tên là làng đặc sản của thôn. Trưởng thôn Đinh Văn Hạnh thông tin: Bánh chưng và cơm lam là 2 món ăn truyền thống của người dân tộc Giáy địa phương và trở thành hàng hóa từ năm 2014. Thời điểm đó, nhiều phụ nữ trong thôn không có việc làm nên đã làm cơm lam, bánh chưng mang đi bán tại Sa Pa. Sau đó, du lịch phát triển mạnh, nhiều hộ trong làng bắt đầu nhận được đơn đặt hàng của người quen để bán tại nhiều nơi.
Được biết, thôn Ún Tà đã đề nghị UBND xã xây dựng một thương hiệu riêng cho các loại bánh đặc sản của địa phương. Thôn cũng đã gửi hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP của thành phố trong năm 2024 với hy vọng giúp món ăn đặc sản của người Giáy Ún Tà được nhiều người biết đến, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.