Thưa đồng chí, việc UBND tỉnh ký kết hợp tác với châu Văn Sơn và châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong thời điểm này có ý nghĩa như thế nào?
Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là 2 tỉnh láng giềng, có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam nói chung và châu Hồng Hà, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam nói riêng ngày càng được củng cố, phát triển và đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của 2 bên.
Ngày 12/12/2018, tại tỉnh Lai Châu, trong khuôn khổ Phiên họp lần thứ 7 Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), UBND tỉnh Lào Cai và chính quyền nhân dân châu Hồng Hà đã ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019 - 2023. Thỏa thuận có hiệu lực trong 5 năm, do vậy, việc ký kết thỏa thuận giai đoạn tiếp theo là cần thiết và phù hợp với mong muốn của tỉnh Lào Cai và châu Hồng Hà.
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 4 giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh và Phiên họp lần thứ 10 Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam diễn ra tại Côn Minh ngày 12/6/2024, dưới sự chứng kiến của 5 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai và chính quyền nhân dân châu Hồng Hà đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Lào Cai và chính quyền nhân dân châu Hồng Hà giai đoạn 2024 - 2028; lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai và chính quyền nhân dân châu Văn Sơn đã ký kết Thỏa thuận giao lưu hợp tác hữu nghị giữa UBND tỉnh Lào Cai và chính quyền nhân dân châu Văn Sơn.
2 bản thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để tỉnh Lào Cai cùng với châu Hồng Hà và châu Văn Sơn triển khai các nội dung hợp tác trong giai đoạn tiếp theo, đưa quan hệ giữa Lào Cai với châu Hồng Hà, châu Văn Sơn lên tầm cao mới, ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất. Đây cũng là hoạt động đầu tiên nhằm cụ thể hóa nội dung Biên bản Hội nghị thường niên lần thứ 4 giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh và Phiên họp lần thứ 10 Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam ký ngày 12/6/2024 tại Côn Minh.
Xin đồng chí chia sẻ những nội dung hợp tác trọng tâm với châu Văn Sơn và châu Hồng Hà mà UBND tỉnh Lào Cai vừa ký kết?
Đối với châu Hồng Hà, 2 bên thống nhất 6 nội dung hợp tác trọng tâm, đó là tăng cường giao lưu và xây dựng cơ chế hợp tác: 2 bên nhất trí thiết lập cơ chế trao đổi công việc; tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan đối đẳng; duy trì giao lưu thường xuyên, không ngừng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất trên các lĩnh vực.
Nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, kinh tế thương mại: 2 bên cùng nhau nghiên cứu, hình thành các khu công nghiệp, khu gia công chế biến hàng hóa xuất - nhập khẩu; cùng xây dựng cơ chế thúc đẩy đầu tư ngành nghề qua biên giới; thúc đẩy mở các cửa khẩu (lối mở) biên giới và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ khu vực cửa khẩu; nghiên cứu thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh và hợp tác về thương mại điện tử; tiếp tục hoàn thiện “luồng ưu tiên” thông quan nhanh hàng nông sản...
Thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng qua biên giới: Nghiên cứu thúc đẩy kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) và xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thúc đẩy xây dựng và thông xe cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).
Tăng cường hợp tác du lịch qua biên giới: 2 bên tạo điều kiện thuận lợi cho xe chở khách du lịch chạy thẳng qua biên giới theo các tuyến vận tải quốc tế đã được Bộ Giao thông vận tải 2 nước ký thỏa thuận; cùng thúc đẩy khai thác các tuyến du lịch; nghiên cứu, thúc đẩy xây dựng khu thí điểm du lịch biên giới, khu hợp tác du lịch qua biên giới, Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Trung.
Tăng cường hợp tác quản lý biên giới: Phối hợp triển khai hoạt động kiểm tra liên hợp biên giới hằng năm; triển khai xây dựng các công trình biên giới theo quy định và trình tự tại các thỏa thuận có liên quan; xây dựng kênh liên lạc giữa các cơ quan thực thi pháp luật 2 bên, duy trì hợp tác thực thi pháp luật biên giới.
Thúc đẩy giao lưu Nhân dân và hợp tác trên các lĩnh vực khác: Ủng hộ quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương 2 bên; phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân với nhiều hình thức; thúc đẩy giao lưu trên các lĩnh vực: Khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao, y tế, nông nghiệp, tư pháp, bảo vệ môi trường...
Đối với châu Văn Sơn, 2 bên thống nhất 4 nội dung hợp tác trọng điểm, đó là tăng cường tin cậy chính trị: Tăng cường giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thúc đẩy và không ngừng làm sâu sắc thêm quan hệ giao lưu hữu nghị và hợp tác thực chất giữa 2 bên.
Thúc đẩy hợp tác thực chất: Khuyến khích các cơ quan thiết lập cơ chế hợp tác; nghiên cứu thúc đẩy giao lưu kinh nghiệm và hợp tác thực chất; triển khai hợp tác về đào tạo cán bộ; khuyến khích Đoàn Thanh niên Cộng sản 2 bên triển khai các hoạt động giao lưu với nhiều hình thức; ủng hộ giao lưu, trao đổi mật thiết giữa các huyện biên giới của 2 bên; tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân, giáo dục và tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, củng cố hơn nữa tình hữu nghị truyền thống của Nhân dân khu vực biên giới; tích cực phối hợp trong quản lý lao động qua biên giới.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại: Nghiên cứu mở rộng kênh hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 bên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; thúc đẩy việc mở lối mở, thiết lập cặp chợ biên giới và xây dựng công trình cầu qua biên giới tại khu vực Hóa Chư Phùng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai - Seo Pả Chư, huyện Mã Quan, châu Văn Sơn.
Tăng cường hợp tác về an ninh: Nghiêm túc thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, đảm bảo sự rõ ràng, ổn định của đường biên giới; phòng, chống hiệu quả các hoạt động tội phạm qua biên giới, tích cực giải quyết ổn thỏa các vụ, việc phát sinh đột xuất.
Trên cơ sở nội dung ký kết, đồng chí đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa Lào Cai với Vân Nam nói riêng và cả nước nói chung?
Lào Cai có vị trí trung tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời là trung tâm của các tỉnh biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); là điểm trung chuyển giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, một điểm nối quan trọng trên tuyến hành lang Bắc - Nam trong khuôn khổ Hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã nỗ lực phát huy lợi thế, tiềm năng để khẳng định vai trò “cầu nối” và đạt nhiều thành tựu trong kết nối giao thương kinh tế giữa các vùng, ASEAN và khu vực Tây Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu mua bán, giao thương giữa các khu vực. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa Vân Nam và Lào Cai còn nhiều triển vọng, dư địa để phát triển, đặc biệt là việc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản có chất lượng cao từ Việt Nam, hợp tác về gia công chế biến gỗ…
Các văn bản, thỏa thuận hợp tác được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 4 giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh và Phiên họp lần thứ 10 Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam vừa diễn ra tại Côn Minh sẽ là cơ sở để các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam tăng cường quan hệ toàn diện; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư; thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng giao thông; mở rộng các hình thức giao lưu nhân dân; phát triển du lịch… góp phần thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của khu vực và vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, người dân các địa phương 2 bên.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!