Lào Cai có vị trí địa chính trị quan trọng, là cầu nối trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Chính bởi vị trí chiến lược này, một tuyến đường sắt kéo dài từ cảng biển Hải Phòng đến thành phố Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc) đã được xây dựng và hoạt động trên toàn tuyến bắt đầu từ năm 1910. Nhiều Việt kiều và công nhân người Việt đã tới sinh sống và làm việc tại ga dọc theo đoạn đường sắt từ Hà Khẩu đến Côn Minh như Nghi Lương, Khai Viễn, Bích Sắc, Chỉ Thôn và tại Côn Minh. Đây là cơ sở để hình thành các tổ chức Đảng của người Việt ở Vân Nam. Đầu năm 1940, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Ông Trần về hoạt động ở khu vực thành phố Côn Minh và các nhà ga dọc tuyến đường sắt từ Hà Khẩu đến Côn Minh với mục đích tuyên truyền vận động cách mạng trong kiều bào, công nhân đường sắt, đào tạo, huấn luyện cách mạng cho các chiến sỹ cộng sản Việt Nam như Vũ Anh, Lê Tùng Sơn…
Năm 2019, tỉnh Lào Cai đã thành lập đoàn cán bộ, chuyên gia, truyền thông thực hiện chuyến khảo sát những địa điểm hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vân Nam để kết nối hành trình theo địa đỏ gắn kết với tour du lịch vàng "2 quốc gia - 6 điểm đến" được khai trương hoạt động trước đó không lâu. Có thể nói, đây là những bước đi đầu tiên rất quan trọng đặt tiền đề kết nối xây dựng hành trình di sản Hồ Chí Minh gắn với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những hoạt động xúc tiến kết nối hành trình theo dấu chân Bác ở Vân Nam tạm ngưng.
Tháng 8 năm 2022, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh chủ trì tổ chức Hội thảo học thuật quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn mới” theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu Lào Cai có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO - Bộ Ngoại giao; Cục Hợp tác quốc tế, Tổng Cục du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo tập trung thảo luận về phương án trùng tu, trưng bày Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam). Khu di tích trở thành địa chỉ đỏ, kết nối du lịch Lào Cai (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc). Thành công của Hội thảo đã tạo điều kiện cho Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động trùng tu, trưng bày Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quận Ngũ Hoa (Côn Minh). Đến nay, đây đã trở thành điểm đến của các đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân người Việt khi đến công tác, làm việc, du lịch tại Côn Minh.
Ngay sau khi Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) được xếp hạng Di tích Quốc gia (Quyết định 892/QĐ-BVHTTDL ngày 15/4/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan tiến hành quy hoạch, quản lý khu di tích, xây dựng Nhà lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian của di tích. Tháng 9/2023, Kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tộc tỉnh Lào Cai, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành và đi vào hoạt động.
Nhà lưu niệm được bố trí trưng bày dưới sự tư vấn của các chuyên gia thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những tình cảm của Bác với đồng bào, chiến sỹ tỉnh Lào Cai và tình cảm của Nhân dân các dân tộc Lào Cai với Bác. Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Lào Cai đã trở thành điểm kết nối hành trình địa chỉ đỏ gắn với di sản Hồ Chí Minh trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai - địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng và truyền thống cho thế hệ trẻ.
Những hoạt động trên còn ghi dấu thành tựu Lào Cai trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa trong Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.