LCĐT - Chúng tôi đi làm ở đâu cũng thế, lệ làng, lệ bản bây giờ vẫn nặng nề lắm, doanh nghiệp muốn làm đúng quy định của pháp luật cũng không thể, dù ấm ức trong bụng nhưng nhiều lúc muốn được việc vẫn phải “khom lưng” trước các cụ, các ông ở thôn, bản khi họ mang “lệ làng” ra áp vào việc chung, việc cần phải xử lý theo pháp luật”. Đó là tâm sự của một giám đốc doanh nghiệp chuyên làm về lĩnh vực xây dựng và giao thông.
Trong chuyến công tác lên một huyện vùng cao của tỉnh, đến một dự án trọng điểm về giao thôngđang trong giai đoạn cuối của gói thầu mở tuyến. Đi xe máy trên tuyến đường được mở mới, mấy anh em tôi thấy vui vì đường khá rộng và đẹp. Ai cũng nghĩ đường hoàn thành sẽ tạo “cú hích” lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều thôn, bản vốn trước đây là ốc đảo, giao thông khó khăn. Qua trò chuyện, chúng tôi cũng thấy người dân nơi tuyến đường đi qua rất ủng hộ, nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất làm đường. Nhưng niềm vui chưa được tày gang, đang đi, chúng tôi gặp một đám đông người dân đang mang cây, que rào đường… Thấy chúng tôi đến, một người đàn ông vẻ dữ dằn gằn giọng nói: “Đi qua đi cho tôi còn rào đường lại”; phía bên kia, mấy anh công nhân đang cố khuyên can một số cụ già đứng chặn đầu chiếc xe tải chở đất. Thấy chúng tôi quay phim, chụp ảnh, người đàn ông đang rào đường lớn tiếng nói: Đây rồi, có các nhà báo đến phản ánh để mấy ông làm đường phải có trách nhiệm với dân chúng tôi.
Chờ sự việc tạm lắng xuống, anh em chúng tôi mới hỏi chuyện người đàn ông vừa tham gia rào đường. Theo lời giải thích của người này thì gia đình ông có một số diện tích đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng để làm đường. Các cơ quan chức năng đã thống kê hoa màu, tài sản để áp giá đền bù và gia đình ông cũng nhất trí ký biên bản đồng ý phương án đền bù. Tuy nhiên, đến khi chính quyền tổ chức chi trả tiền thì gia đình ông không nhận mà đưa ra yêu cầu cơ quan chức năng phải làm thủ tục tách thửa cho các con ông mỗi người một mảnh; bao giờ nhận được sổ đỏ thì gia đình ông mới nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Góp thêm vào câu chuyện, vị trưởng thôn đứng gần đó cho biết: Trước yêu cầu “rất khó” của gia đình người đàn ông kia, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã đến tuyên truyền, vận động, nói rõ là việc thống kê, đền bù giải phóng mặt bằng và việc chia tách đất làm sổ đỏ cho các con trong gia đình ông là hai việc khác nhau… nhưng sau nhiều tháng, ông này vẫn không đồng ý. Trong thôn còn 3 hộ cũng có yêu cầu tương tự. Hiện, đơn vị thi công tuyến đường đã làm gần xong, chỉ vướng mấy hộ này mà khiến tiến độ thi công chậm cả tháng nay rồi.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, một cán bộ đại diện đơn vị thi công nhăn nhó: Khổ lắm các anh ạ, đi làm ở đâu cũng thế, lệ làng, lệ bản bây giờ vẫn nặng nề lắm, doanh nghiệp muốn làm đúng quy định của pháp luật cũng không thể. Ví như chuyện tại một tuyến đường khác mà chúng tôi đang thi công cũng vậy, khi nhận bàn giao mặt bằng thi công thì trong biên bản chính quyền xã nói đã có “mặt bằng sạch”, nhưng khi chúng tôi triển khai máy móc vào làm thì người dân kéo ra đòi hàng loạt yêu sách, nếu không được đáp ứng thì họ sẽ ngăn cản thi công. Rồi chuyện một mảnh đất có 3 chủ, nguyên do là người dân mua đi bán lại với nhau nhưng thỏa thuận bằng mồm hoặc giấy viết tay mà không theo quy định của pháp luật. Khi đơn vị vào thi công thì cả 3 hộ đều nhận đó là đất nhà mình, trong khi chỉ có 1 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đã lấy tiền đền bù rồi, 2 hộ còn lại dứt khoát không nghe và người chịu trận là doanh nghiệp. Vì chậm tiến độ thì bị chủ đầu tư phạt, nếu cố tình đưa máy vào thi công thì sẽ xảy ra xô xát với dân… Đúng là “phép vua thua lệ làng”, không biết bao giờ cảnh này mới hết đây!
Thực tế cho thấy, ở hầu hết các dự án giao thông liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng thì thường có những khó khăn, vướng mắc và đều được giải quyết dựa trên quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở một số địa phương, do trình độ dân trí hoặc do một số hộ cố tình đặt điều kiện với chính quyền và cơ quan chức năng nhằm đòi quyền lợi riêng cho mình bằng cách đưa ra những yêu sách vô lý, khi không được đáp ứng thì họ quay ra không bàn giao mặt bằng, chặn đường, ngăn cản đơn vị thi công. Đặc biệt, có hộ cố tình gây sự với cán bộ thực thi công vụ hoặc công nhân của đơn vị thi công rồi quay clip tung lên mạng xã hội nhằm kêu gọi sự ủng hộ của dư luận, gây áp lực với chính quyền. Đã đến lúc, những hành động đưa yêu sách kiểu “lệ làng” cần được chấm dứt và xử lý nghiêm và những vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng cần phải được giải quyết dựa trên quy định của pháp luật, thậm chí đưa ra tòa án. Cơ quan thực thi pháp luật cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng chống đối, gây mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.