Nhắc đến Lào Cai trước kia, nhiều người nghĩ ngay đến một tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành công nghiệp, diện mạo Lào Cai đã hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành công nghiệp Lào Cai tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất. Hiện nay, công nghiệp và xây dựng mới chiếm 35,94% trong cơ cấu kinh tế, nhưng ngành công nghiệp đang đóng vai trò chủ lực, động lực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và quy hoạch mới các khu, cụm công nghiệp, tạo dư địa phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhờ đó chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và điểm nhấn là cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai thác tiềm năng thủy điện hợp lý, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng.
Lào Cai đã lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính và dự án áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thế giới, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường. Đã có những doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả sản xuất cao, như Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai; Dự án Nhà máy tuyển đồng số 2 thuộc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền; Tổ hợp chế biến sâu quặng apatit tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang…
Theo đánh giá của đơn vị chức năng, hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp Lào Cai thời gian qua đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và sự năng động, nhanh nhạy của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã giúp ngành công nghiệp của tỉnh duy trì đà tăng trưởng. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 46.100 tỷ đồng, tăng 0,07% so với năm 2022 và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đạt gần 4.497 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2022.
Các nhóm ngành duy trì đó là phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng theo hướng tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh sản xuất các thành phẩm có giá trị cao hơn; tập trung chế biến các sản phẩm nông - lâm - sản chủ lực của tỉnh đã xác định tại Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhóm ngành ưu tiên hàng đầu là các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, trọng điểm mà Lào Cai cần tiếp tục phát triển trong tương lai để từng bước trở thành tỉnh công nghiệp hàng đầu của vùng, gồm: Công nghiệp chế tạo hậu luyện kim; dệt may và da giày cao cấp; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử; chế biến chất thải gyps, phốt pho đỏ, phân bón giàu lân.
Nhóm ngành phát triển mới là thiết bị y tế, dược phẩm, phương tiện vận tải hành khách, thiết bị năng lượng tái tạo, động cơ năng lượng mặt trời - gió và gắn với công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử, công nghệ in 3D...
Để lấy lại đà tăng trưởng công nghiệp cao và đón làn sóng đầu tư mới, ngành công thương Lào Cai đã xây dựng kịch bản chi tiết phù hợp, có tính khả thi cao, đồng thời đề ra các giải pháp để thực hiện hoàn thành trong năm 2024. Đó là rà soát, tổ chức đánh giá kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề xuất phương án đầu tư ngay từ đầu năm 2024 để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ logistics. Kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó tập trung triển khai quy hoạch và đầu tư các khu công nghiệp: Cốc Mỳ - Trịnh Tường, Võ Lao, Cam Cọn, Bản Qua; phấn đấu năm 2024, mỗi huyện hình thành ít nhất 1 cụm công nghiệp và toàn tỉnh thực hiện tối thiểu thêm 2 khu công nghiệp. Xây dựng và trình phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2025 - 2030 và Quy chế phối hợp quản lý quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (giữa Bộ Công Thương và các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang). Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp: Nhà máy tuyển quặng III Tam Đỉnh - Làng Phúng, Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao của Công ty TNHH Nexus Technologies and Cable; Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất giống và chế biến dược liệu Vitamec Lào Cai...
Với việc ưu tiên thu hút đầu tư vào chế biến sâu khoáng sản, khai thác tiềm năng thủy điện hợp lý, phát triển các cụm công nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là lĩnh vực quan trọng đóng góp lớn vào kinh tế của tỉnh.