Đây cũng là 2 nội dung được cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm nhất trong thời gian gần đây.
Nhiều câu hỏi với ngành tài nguyên và môi trường
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ngô Quyền, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về lý do triển khai Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai” (gọi tắt là Đề án 86) chậm?
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra 6 nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của Đề án là: Chủ đầu tư (Phòng Tài nguyên và Môi trường) chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện; các địa phương thiếu tích cực trong triển khai; do lịch sử việc giao đất; do khối lượng lớn; do cơ chế giao tự chủ kinh phí ở một số huyện...
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định tiến độ thực hiện đang rất chậm nên việc đảm bảo hoàn thành trong năm 2024 là khó khả thi. Sở đề nghị Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Đề án, có giải pháp tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn. “Phải cương quyết mới có thể về đích được”, ông Hồ Cao Khải nhấn mạnh.
Tiếp đó, đại biểu Ngô Quyền còn đặt câu hỏi về nguyên nhân tình trạng khan hiếm cục bộ vật liệu xây dựng, sự tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường trong triển khai thực hiện các giải pháp như thế nào?
Ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Toàn tỉnh đang có 48 giấy phép khai thác (mỏ) đá, cát, đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Các mỏ đang chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, sản phẩm sau khai thác được cung ứng chủ yếu cho nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Về nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng cục bộ,theo ông Hồ Cao Khải là nhu cầu thị trường tăng cao, cung không đủ cầu; do sự chặt chẽ trong quy định về chính sách cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản; do đặc thù địa hình tự nhiên. Ngoài ra còn do một số mỏ đã cấp phép nhưng hoạt động cầm chừng; một số điểm khai thác cát, sỏi nằm trong lòng hồ thuỷ điện, khi tích nước dâng cao nên rất khó khăn cho việc hút cát; do khó khăn về đất phục vụ san lấp các dự án, công trình.
Về công tác tham mưu, với tư cách là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Hồ Cao Khải khẳng định sở đã tích cực tham mưu, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiều nội dung, giải pháp tháo gỡ.
Tiêu biểu như phối hợp với Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tham mưu ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung toàn bộ các mỏ vật liệu vào quy hoạch tỉnh làm căn cứ để tham mưu quản lý, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định…
Sở Tài nguyên và Môi trường còn tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Quốc hội giải quyết, sửa đổi các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác cấp phép vật liệu xây dựng thông thường.
Thay cho câu hỏi, đại biểu Hà Tất Định, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến hướng dẫn về việc xác định giá đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Nội dung này được các đồng chí chủ trì phiên chất vấn đề nghị đại biểu hướng dẫn cử tri, Nhân dân tới các cơ quan chuyên môn của huyện để được hướng dẫn. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời đại biểu bằng văn bản.
Bổ sung câu hỏi với lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường, đại biểu Thào Thị Lan, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương nêu ý kiến: Trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường khi để tồn tại diện tích đất giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ chồng lấn với đất sản xuất của người dân thời gian qua? Giải pháp của ngành để thực hiện chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng cây chủ lực?
Ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lý giải: Trước đây, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân bằng phương pháp giao nhanh, dựa trên hệ thống bản đồ có độ chính xác không cao dẫn đến chồng lấn, tranh chấp, vướng mắc.
Để khắc phục, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh (Đề án 86), trong đó giao UBND các huyện làm chủ đầu tư. Báo cáo của UBND huyện Mường Khương cho thấy đến nay khối lượng hoàn thành đạt hơn 30% kế hoạch đề án, trong khi nguồn kinh phí bố trí đã đạt hơn 55% kế hoạch.
Về giải pháp thực hiện chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng cây chủ lực theo kế hoạch của tỉnh, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Khương đã được UBND tỉnh phê duyệt thì đây là trách nhiệm của UBND huyện Mường Khương.
Đại biểu Vù A Giàng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa đặt câu hỏi với Giám đốc Tài nguyên và Môi trường việc giải quyết những tồn tại, bất cập khi triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị xã.
Ông Hồ Cao Khải trả lời: Qua rà soát, các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thị xã Sa Pa là 647.338 thửa, do 17.553 hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng.
Trong đó có tới 10.944 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nhưng chưa đăng ký đất, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì việc đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất.
Để giải quyết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó có thị xã Sa Pa.
Về những vướng mắc, tồn tại trong giải phóng mặt bằng, đất đai chồng lấn, ông Hồ Cao Khải cho biết sở đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án đo đạc tổng thể lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký đất đai trên địa bàn 152/152 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, lý do triển khai chậm là nhiều người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm thực hiện; Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí, tổ chức kê khai đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo nhiệm vụ kế hoạch giao thường xuyên hàng năm nhưng tiến độ chưa được như mong muốn.
Hai đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đại biểu Lý Thi Hào, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà đặt câu hỏi về trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp hoàn thành mục tiêu duy trì và phấn đấu các xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025? Đại biểu cũng kiến nghị cần điều chỉnh giảm mục tiêu phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới và có chính sách hỗ trợ duy trì, củng cố các tiêu chí tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới tại huyện Bắc Hà.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Giải pháp cơ bản để hoàn thành mục tiêu duy trì và phấn đấu các xã đạt chuẩn nông thôn đến năm 2025 là tăng cường sự chủ động của các địa phương, các ngành liên quan; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung giải ngân các dự án phát triển thuộc nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân; triển khai hiệu quả các đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Ông Đỗ Văn Duy còn đề ra giải pháp về huy động nguồn vốn; tăng cường việc đánh giá tác động của chính sách; phát động phong trào thi đua trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Về đề xuất của huyện Bắc Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tháng 11/2023, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều chỉnh giảm chỉ tiêu 10 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025.
Với câu hỏi chất vấn của đại biểu Tráng Thị Sinh, huyện Mường Khương về trách nhiệm của cơ quan chuyên môn khiến địa phương không hoàn thành được kế hoạch trồng rừng, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp giải đáp.