Theo tờ Bangkok Post, 70 đảng và 6.679 ứng viên tham gia cuộc đua vào Hạ viện. Ngoài ra, 43 đảng đề cử 63 nhân vật làm ứng viên thủ tướng.
Kết quả chính thức phải được công bố trong vòng 60 ngày, kể từ ngày bầu cử 14-5. Trong trường hợp không đảng nào giành được đa số ghế Hạ viện để lập chính phủ, các đảng sẽ cần bắt tay nhau để lập chính phủ liên hiệp (nắm ít nhất 251/500 ghế Hạ viện).
Ngoài ra, chỉ ứng viên thủ tướng từ đảng giành được ít nhất 25 ghế mới được xem xét. 500 hạ nghị sĩ vừa được bầu và 250 thượng nghị sĩ được bổ nhiệm sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu chung của quốc hội để chọn ra thủ tướng. Để giành chiến thắng, ứng viên cần nhận được ít nhất 376 phiếu ủng hộ.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu tại thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 14/5.
Theo đài Al Jazeera, các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy Đảng Vì nước Thái có thể giành 220-240 ghế tại Hạ viện, Đảng Tiến bước 70-100 ghế.
Các nhà phân tích đã nhắc đến 3 kịch bản từ kết quả bầu cử. Đầu tiên là Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha, ứng viên Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN), trở lại nắm quyền với sự ủng hộ của Thượng viện.
Kịch bản này sẽ dẫn đến một chính phủ thiểu số, tức chính phủ này dễ lung lay, gặp bế tắc về lập pháp và sụp đổ trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng.
Kịch bản thứ hai là một liên minh giữa Đảng Vì nước Thái và Đảng Tiến bước. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra, trừ khi phe đối lập thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Lý do là Thượng viện có thể nói không với chính phủ liên hiệp như thế do không ủng hộ các đề xuất cải cách mạnh mẽ, táo bạo của Đảng Tiến bước.
Kịch bản cuối cùng được xem là khả dĩ nhất: Đảng Vì nước Thái bắt tay với Đảng Palang Pracharath - có lãnh đạo là Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, một cựu tướng quân đội. Một thỏa thuận như thế không chỉ nhận đủ số phiếu cần thiết mà còn có thể được hoàng gia chấp nhận.