Khủng hoảng năng lượng ở Trung Á và triển vọng

Các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng đã gây ra những thay đổi chính trị nghiêm trọng ở một số nước Trung Á.

Các nước Trung Á đang hướng tới điện hạt nhân để giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Theo nhận định của Stanislav Aleksandrovich Pritchin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu hậu Xô Viết (IMEMO RAS), vấn đề năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách nhất đối với sự ổn định xã hội và là hạn chế chính đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia Trung Á. Tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên và sự cố trên đường dây điện gần đây đã xảy ra trong khu vực với mức độ thường xuyên đáng báo động.

Các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng đã gây ra những thay đổi chính trị nghiêm trọng ở một số nước. Vì vậy, sau khi hệ thống sưởi và khí đốt ở Tashkent ngừng hoạt động vào đầu năm nay, điều chưa từng có đối với Uzbekistan, Tổng thống Shavkat Mirziyoyev đã sa thải Thị trưởng thủ đô Tashkent, Jahongir Artykhodjaev.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Á là do thiếu đầu tư nghiêm trọng vào lĩnh vực này trong những năm qua trong bối cảnh dân số tăng nhanh và nhu cầu điện ngày càng tăng. Một trở ngại nghiêm trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư cần thiết vào lĩnh vực năng lượng của các nước Trung Á là chính quyền, vì lý do chính trị, không sẵn sàng tăng giá điện đối với người tiêu dùng. Điều này phần nào làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của ngành và càng trở nên trầm trọng hơn do thị trường được quản lý quá mức đối với các dự án tư nhân hoặc thậm chí do sự độc quyền trong lĩnh vực năng lượng.

Đối với các quốc gia Trung Á, vấn đề càng trở nên gay gắt hơn, vì họ vốn đang nằm trong khu vực thiếu điện, khi năng lực sản xuất điện hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu trong nước và cơ hội nhập khẩu cũng bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý và vấn đề tương tự giữa các nước là láng giềng của nhau. Xu hướng đáng báo động này sẽ chỉ ngày càng gia tăng.

Theo nghiên cứu của Viện Dự báo và Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô (Tashkent), đến năm 2030, tiêu thụ điện ở Kazakhstan sẽ là 136 tỷ kWh (tăng ít nhất 21% so với năm 2020), ở Uzbekistan: 120,8 tỷ kWh (tăng 1,7 lần), ở Kyrgyzstan: hơn 20 tỷ kWh (tăng 50%). Điều này có nghĩa là trong những năm tới, các chính phủ ở Trung Á sẽ phải tăng công suất phát điện để tránh tình trạng thiếu năng lượng ngày càng tồi tệ.

Xét đến sự gần gũi về mặt địa lý và sự hội nhập ban đầu của các hệ thống năng lượng của các quốc gia trong khu vực, nhiệm vụ hiện đại hóa ngành này lý tưởng nhất là một cách tiếp cận phối, kết hợp của cả năm nước Trung Á. Đáng tiếc là, sự phát triển chung của ngành năng lượng không nằm trong số những ưu tiên của hội nhập khu vực. Từng nước Trung Á xác định các mục tiêu và mục đích phát triển và trong phạm vi có thể, thực hiện chúng trên thực tế tách biệt với các nước láng giềng.

Một tín hiệu tích cực là vấn đề khủng hoảng năng lượng đã được chính quyền các nước Trung Á thừa nhận, đồng nghĩa rằng có khả năng việc giải quyết vấn đề này sẽ là tâm điểm chú ý của các chính phủ trong những năm tới.

Vì vậy, Thủ tướng Kyrgyzstan Akylbek Japarov đã kêu gọi người dân nước này cách tiết kiệm điện, thừa nhận thiếu 3,2 tỷ kWh điện mỗi năm (năm 2022 thiếu 1,9 tỷ kWh) , đồng thời vạch ra một kế hoạch, trong đó ngoài các biện pháp kích thích tiết kiệm năng lượng, việc vận hành một số nhà máy thủy điện trong những năm tới và bù đắp thiếu hụt bằng các hợp đồng cung cấp điện từ Turkmenistan, Uzbekistan và Nga.

Theo xu hướng toàn cầu, lãnh đạo các nước Trung Á sẵn sàng dựa vào năng lượng xanh như một giải pháp cho tình trạng thiếu năng lượng. Do đó, trong Chiến lược phát triển theo chương trình của Uzbekistan đến năm 2030, được thông qua làm kế hoạch hành động và lộ trình phát triển cho nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Shavkat Mirziyoyev, điểm nhấn chính trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng là phát triển năng lượng xanh, trong 7 năm tới sẽ cung cấp tới 40% tổng sản lượng điện và công suất sẽ là 25 GW.

Vấn đề là chiến lược trên không nêu chi tiết dự án nào được lên kế hoạch tăng sản lượng điện mặt trời, năng lượng gió và thủy điện. Ngoài ra, các khoản đầu tư cần thiết để thực hiện quy hoạch cũng không được nêu cụ thể, cũng như dự kiến sử dụng giải pháp công nghệ nào để bù đắp yếu tố mùa vụ (điện mặt trời đạt hiệu quả cao nhất vào mùa hè, lượng điện tiêu thụ chính diễn ra vào mùa đông).

Triển vọng

Các nước Trung Á có thể hợp tác với Nga để giải quyết bài toán năng lượng.

Một cái nhìn rộng hơn về tình hình năng lượng ở Trung Á có thể khiến bức tranh bớt bi quan hơn. Có một số dự án lớn đang được đưa vào chương trình nghị sự trong khu vực và việc thực hiện chúng sẽ giúp đảo ngược xu hướng tiêu cực về nhu cầu điện. Trước hết, đó là về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực.

Theo thỏa thuận sơ bộ giữa Chính phủ Uzbekistan và tập đoàn Rosatom của Nga, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của khu vực ở vùng Jizzakh bắt đầu vào năm 2022 và kết thúc vào năm 2028. Không biết điều gì đã gây ra sự chậm trễ trong việc ký kết thỏa thuận cuối cùng và khởi công xây dựng, nhưng rõ ràng là lợi ích quan trọng của Uzbekistan là khởi động dự án càng sớm càng tốt, dự án sẽ cung cấp tới 20% nhu cầu về điện của nước này.

Tại Kazakhstan, theo sự thúc đẩy của Tổng thống Kassym - Jomart Tokayev, quá trình phê duyệt dự án nhà máy điện hạt nhân sẽ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Bước đi này sẽ cho phép Astana vượt qua những lo ngại tồn tại trong xã hội về việc thực hiện các dự án liên quan đến hạt nhân. Theo chân nước láng giềng, Kyrgyzstan cũng không loại trừ việc xây dựng một hoặc nhiều nhà máy điện hạt nhân nhỏ trên lãnh thổ của mình.

Một lĩnh vực quan trọng khác là việc xây dựng chung các dự án thủy điện lớn. Vào tháng 1/2023, Astana, Bishkek và Tashkent đã tạm thời đồng ý xây dựng chung dự án dài hạn lớn nhất ở Kyrgyzstan - Kambarata HPP-1.

Ý tưởng thành lập liên minh khí đốt giữa Nga, Kazakhstan và Uzbekistan, trong đó có việc triển khai hệ thống vận chuyển khí đốt kết nối với Trung Á để cung cấp khí đốt của Moskva cho khu vực, cũng có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho khu vực. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định mà còn góp phần phát triển mạng lưới phân phối khí đốt địa phương. Một thỏa thuận sơ bộ về vấn đề này đã được ký kết, chẳng hạn như giữa Nga với Kazakhstan.

Rõ ràng là tất cả các kế hoạch đã vạch ra đều đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, các hành động nhanh chóng và quyết đoán của các cơ quan chức năng nhằm giải quyết sự thiếu hụt năng lượng lớn. Nếu không, hệ thống năng lượng của Trung Á trong những năm tới sẽ vẫn là nguồn gốc của các cuộc khủng hoảng và vấn đề hơn là một điểm nghẽn cho tăng trưởng và phát triển.

TTXVN/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17/11 ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác đa phương hiệu quả để đối phó với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw