Sau gần 1 giờ đi bộ từ trung tâm thôn, chúng tôi mới đến được khu trồng chè cổ thụ. Nằm lẩn khuất trong cánh rừng rậm rạp, chằng chịt dây leo, những cây chè cổ thụ lá xanh mướt, thân to như cây gỗ rừng.
Chỉ về tràn ruộng bậc thang trước mặt, ông Trương Văn Giành cho biết: "Cả khu vực này trước đây toàn trồng chè, sau do tiêu thụ khó khăn nên người dân phá bỏ để thay thế bằng cây trồng khác và cải tạo đất làm ruộng bậc thang".
Ông Giành cũng không biết cây chè có từ bao giờ nhưng nhìn gốc chè xù xì, to ngang cột nhà thì cũng phải đến 50 - 60 năm.
Bí thư Chi bộ Nậm Bắt Trương Văn Mằn cho biết: Trước đây từng có một xưởng chế biến chè ở trung tâm xã Tân Tiến, người dân thu hái mang về bán nhưng chẳng được lời lãi bao nhiêu vì năng suất thấp, giao thông khó khăn.
Gần đây, giao thông thuận tiện, chè cổ thụ ở Nậm Bắt được biết đến nhiều hơn khi người dân trong thôn mang ra các chợ phiên giới thiệu.
Với khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng màu mỡ, những búp chè cổ thụ ở Nậm Bắt phát triển tự nhiên, không chỉ to đẹp mà còn cho vị đặc trưng.
Ông Lương Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Xã sẽ rà soát, đánh giá lại diện tích chè cổ thụ hiện có, hướng dẫn người dân khôi phục, chăm sóc chè để có năng suất cao, đồng thời kết nối với các đầu mối bao tiêu sản phẩm cho người dân.