Khoai tây ruột vàng "bén rễ" vùng cao Trạm Tấu

Nổi tiếng với suối khoáng nóng và đặc sản “cọ cay” (khoai sọ nương), mùa này, huyện vùng cao Trạm Tấu lại được nhắc đến bởi một loại nông sản mới vừa "bén rễ" đã nức vị thơm ngon. Đó là cây khoai tây đang mùa thu hoạch tại xã Hát Lừu.
Mùa khoai sọ khép lại, nông dân xã Hát Lừu lại tất bật ra đồng chăm sóc, thu hoạch khoai tây. Đây là giống khoai tây Marabel Hà Lan có lòng vàng bắt mắt, đậm đà thơm bở, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình chị Lò Thị Ủn, thôn Bản Hát, xã Hát Lừu bắt tay ngay vào sản xuất vụ 3. Từ nhiều năm trước, chị Ủn đã lựa chọn trồng khoai tây thay thế cây ngô vụ đông vì hiệu quả kinh tế mà khoai tây mang lại cao hơn nhiều. Dù không được Nhà nước hỗ trợ giống như trước, song vụ này gia đình chị Ủn đã chủ động mua 65 kg khoai tây giống về trồng trên diện tích 1.200 m2 đất ruộng hai vụ. Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật nên việc trồng khoai tây của chị Ủn cũng không gặp khó khăn.
Cây khoai tây được chăm sóc, sinh trưởng và phát triển tốt. Sau hai tháng trồng, khoai tây bắt đầu cho thu hoạch. Chị Ủn cho biết: "Khoai tây rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, chăm sóc đơn giản, không có sâu bệnh, giá bán ổn định đã đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Trồng khoai tây hiệu quả kinh tế hơn hẳn các cây trồng khác: củ thì đem bán, thân lá xanh thì cho lợn, gốc già thì làm phân. Với lại, thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch không lâu nên vẫn đảm bảo thời vụ để trồng lúa. Đối với bà con chúng tôi, có thêm vài triệu đồng trong lúc nông nhàn cũng là điều rất quý”.
Nhân dân xã Hát Lừu thu hoạch khoai tây trên đất hai vụ lúa 
Nhanh tay bới những củ khoai tây ruột vàng cho vào sọt cân cho khách, bà Vì Thị Hom cũng ở thôn Bản Hát nở nụ cười mãn nguyện. Bà Hom vui lắm khi có một vụ khoai tây thắng lợi. Vụ này, bà Hom trồng 80 kg giống trên diện tích 1.500 m2. Khoai tây năm nay được mùa, được giá đã mang lại cho gia đình bà một nguồn thu khá.
"Từ lúc được thu hoạch khoai tây, ngày nào tôi cũng bới một ít mang ra chợ huyện bán, Khoai ngon nên có đến đâu, bán hết đến đấy. Nhiều khách hỏi mua mà không còn để bán. Chưa bao giờ, gia đình mình lại có thu nhập tốt như thế trong vụ đông. Biết thế, mình sẽ trồng nhiều khoai tây hơn”, bà Hom tỏ vẻ tiếc nuối. 
Bà Hom cũng cho biết thêm: "Giống khoai này mình đăng ký với xã mua từ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về trồng. Quá trình trồng mình chỉ bón phân chuồng, một ít NPK, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Giống khoai lòng vàng, bở, đậm đà hơn hẳn khoai xuôi nên khách hàng ưa chuộng. Bới đến đâu bán hết đến đó”.
Với chủ trương từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, xã Hát Lừu đã tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để  tăng giá trị kinh tế, tăng hiệu suất sử dụng đất nông nghiệp. Từ vài năm trở lại đây ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, xã đã vận động bà con nông dân sản xuất thêm vụ 3 trên đất 2 vụ lúa bằng các cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và cây khoai tây đã được chọn. Vụ đông này, Hát Lừu đã trồng trên 1,2 ha khoai tây.
Chủ tịch UBND xã Lò Văn Tiếp cho biết: "Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng giống, xã đã đứng ra làm đầu mối liên hệ mua giống cho bà con. Giống khoai tây được xã đưa vào gieo trồng là của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp để trồng gối giữa 2 vụ lúa trong năm.
Trong quá trình trồng khoai, các hộ dân luôn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ nông nghiệp huyện, cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp xã tận tình hướng dẫn theo đúng quy trình thâm canh từ khâu làm đất, lên luống, mật độ trồng, định mức giống, định mức phân hữu cơ, vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình chăm sóc từ kỹ thuật bón lót, bón thúc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch đến bảo quản sản phẩm. Nhờ vậy, cây khoai tây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt trên 11 tấn/ ha. Với giá bán trung bình tại thời điểm sau thu hoạch từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí ban đầu, mỗi héc - ta khoai tây cho thu gần 80 triệu đồng.
Khoai tây là cây vụ đông ngắn ngày và đầu ra ổn định nhất, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của Trạm Tấu, ít bị chuột phá hoại. Với chất lượng thơm, ngon, bở, khoai tây là món ăn thường có trong bữa cơm gia đình với bát canh khoai tây hầm xương nóng hổi, khoai tây chiên giòn, khoai tây xào thìa là…hoặc phục vụ cho các cơ sở chế biến các loại bánh, mỳ tôm. Khoai tây cũng là món quà quê thích hợp cho bạn bè, người thân, họ hàng khi đến với mảnh đất vùng cao Trạm Tấu. Khoai tây cũng là nông sản dễ vận chuyển, dễ bảo quản. 
Chính vì vậy, đầu ra của sản phẩm này luôn ổn định. Thành công từ việc trồng khoai tây ở Hát Lừu đã khẳng định thành công trong việc thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của đồng bào vùng cao Trạm Tấu. Từ việc được Nhà nước hỗ trợ giống làm mô hình cách đây 3 - 4 năm, khi thấy được hiệu quả kinh tế mà khoai tây mang lại, dù Nhà nước không còn hỗ trợ giống song bà con đã tự nguyện đăng ký, bỏ tiền mua giống khoai tây về trồng và tăng dần diện tích theo từng năm trên diện tích ruộng hai vụ, chủ động được nước tưới.
Cây khoai tây thực sự đã mở ra hướng phát triển kinh tế  vụ đông cho người dân vùng cao Trạm Tấu trên đất hai lúa.
Mạnh Cường

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Niềm vui ở thôn người Dao

Niềm vui ở thôn người Dao

Cách đây khoảng 10 năm, thôn Vĩ Kẽm, xã Trịnh Tường (trước đây là xã Cốc Mỳ) từng được nhiều người biết đến là điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng với cây chuối, thảo quả. Tuy nhiên, do hai loại cây này giờ đây không còn phù hợp, đồng bào Dao tuyển đã mạnh dạn chuyển đổi sang cấy lúa Séng cù, trồng quế, khoai môn, góp phần nâng cao thu nhập.

Sân chơi khơi dậy khát vọng khởi nghiệp thanh niên nông thôn

Sân chơi khơi dậy khát vọng khởi nghiệp thanh niên nông thôn

Cuộc thi ‘Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn’ năm 2025 là sân chơi đặc biệt do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhằm khuyến khích thanh niên nông thôn phát huy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Ngày 16/7/2025, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực địa và có buổi làm việc với các xã Khánh Hòa, Mường Lai, Lục Yên, Lâm Thượng, Tân Lĩnh nhằm đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.

Về miền gạo đặc sản

Về miền gạo đặc sản

Tri thức canh tác lúa nước truyền thống của đồng bào các dân tộc cùng địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới đặc biệt đã giúp tỉnh Lào Cai sở hữu những vùng chuyên canh lúa đặc sản nổi tiếng.

Giải bài toán “được mùa, rớt giá”

Giải bài toán “được mùa, rớt giá”

Xã Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đang bước vào chính vụ thu hoạch lê VH6 - giống lê ôn đới được coi là đặc sản vùng cao. Năm nay, sản lượng tăng mạnh nhưng giá bán giảm, đặt ra thách thức lớn trong việc tìm đầu ra ổn định cho người trồng và chính quyền địa phương.

fb yt zl tw