LCĐT - Sông Chảy bắt nguồn từ sườn Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.419m) và sườn Đông Bắc đỉnh Kiều Liên Ty (2.402m), đi qua địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, rồi hợp lưu với sông Lô ở Phú Thọ, nhưng đoạn đẹp nhất là ở Lào Cai. Riêng địa bàn huyện Mường Khương, sông Chảy đổ dòng qua 6 xã với chiều dài khoảng 40 km. Sông Chảy đã đem lại cho người dân ở nơi “miền cao núi nhọn” này nhiều nguồn lợi.

Sông Chảy - trên bến, dưới thuyền.
Một sớm tháng Tư, chúng tôi đứng ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tả Thàng (Mường Khương) phóng tầm mắt nhìn ra xa xa. Dòng sông Chảy như một dải lụa xanh vắt qua những bản làng, xung quanh là ngút ngàn đồi núi. Đưa ánh mắt về phía dòng sông xa xanh, đồng chí Thào Sùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tả Thàng tâm sự: Nhắc đến sông Chảy, người dân xứ Mường luôn cảm thấy hãnh diện và tự hào. Không tự hào sao được, vì sông Chảy đã nuôi dưỡng nhiều người dân sinh sống dọc bờ sông này. Ngày trước, khi Nhà máy Thủy điện Bắc Hà chưa xây dựng, dòng sông Chảy nhỏ lắm, nhiều thác ghềnh và nước chảy dữ dội. Từ khi xây đập, ngăn sông để làm thủy điện thì dòng sông Chảy đã “lớn” hơn trước rất nhiều, nước chảy hiền hòa, đi lại trên sông từ Cốc Ly (Bắc Hà) lên tận Tả Gia Khâu (Mường Khương), Bản Mế (Si Ma Cai) rất thuận tiện. Giờ đây, nhiều người đã đầu tư đóng thuyền máy để đi lại, vận chuyển nông sản và đưa khách du ngoạn sông Chảy. Người dân Tả Thàng yêu sông Chảy lắm, bởi sông đã cho chúng tôi rất nhiều, nhất là tôm, cá. Nói đến đây, đồng chí Thào Sùng không giấu được tự hào, vì đã từng được “chiêm ngưỡng” con cá chiên nặng tới 20 kg do người dân trong xã bắt được ở sông Chảy. Đồng chí Thào Sùng kể: Năm đó, tôi mới 12 tuổi, theo người dân trong thôn xuống sông Chảy chơi. Bất ngờ, tôi thấy 2 người xúm vào để khênh con cá rất to. Nghe nói, đây là con cá chiên, nặng tới 20 kg. Tôi không nói sai đâu, con cá dài bằng hai sải tay người lớn. Thậm chí, người ta còn để con cá chiên vắt ngang lưng ngựa chở về. Sông Chảy nhiều cá lắm. Người dân muốn cải thiện bữa ăn, chỉ cần xuống sông là có cá ngay… Câu chuyện người dân bắt được con cá chiên nặng tới 20 kg mà đồng chí Thào Sùng kể không phải lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy. Trước đó, trên đường đến Tả Thàng, chúng tôi gặp ông Giàng Seo Diu, ở thôn Cốc Ly Thượng, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Ông Diu đã định cư bên bờ sông Chảy khoảng 30 năm, “nên có chuyện gì mà tôi không biết”. Cách đây 11 năm, chính ông

Làng định cư bên sông Chảy.
Không chỉ có tiềm năng lớn về thủy sản, mà sông Chảy còn là điểm đến và thưởng ngoạn hấp dẫn của du khách. Đã từ lâu, tuyến du lịch đường thủy từ Bảo Nhai đi Cốc Ly (Bắc Hà) đã trở thành tour du lịch có tiếng, thu hút được nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài. Tuy nhiên, tuyến du lịch đường thủy từ Cốc Ly đi Tả Gia Khâu, Bản Mế (trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà) cũng đang có sức hút lớn đối với khách du lịch. Trước khi thực hiện phóng sự này, chúng tôi đã có chuyến thong dong trên thuyền ngược sông Chảy lên tận thượng nguồn. Đây là tuyến du lịch sông nước hoàn toàn mới, cảnh sắc còn hoang sơ và rất thơ mộng. Bên sông là các khu rừng già hàng trăm năm tuổi, thác nước trắng như dải lụa đổ xuống và quần thể hang động tuyệt đẹp chưa có người khám phá. Dọc bờ sông từ Tả Thàng đến Tả Gia Khâu là các làng, bản của đồng bào dân tộc Mông, Nùng, Dao, Tu Dí, Thu Lao, Phù Lá… Mỗi dân tộc mang những nét bản sắc văn hóa riêng, tạo thành một vườn hoa rực rỡ. Mỗi nếp nhà, bộ trang phục, điệu múa, điệu xòe, lời dân ca đều thấm đẫm chất trữ tình Tây Bắc và hơi thở của dòng sông. Từ lâu, sông Chảy đã kết nối những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng của mảnh đất này. Ngồi trên xuồng máy, khỏa nước sông Chảy, thả lòng mình vào khung cảnh sơn thủy hữu tình, du khách có thể quên đi âu lo, bộn bề của cuộc sống đời thường. Du khách cũng có thể tìm được nhiều điều thú vị khi khám phá cuộc sống, phong tục tập quán, không khí lao động sản xuất của chính những người dân hồn hậu, chất phác bên bờ sông Chảy. Những món ẩm thực độc đáo, như xôi ngũ sắc, cá sông nướng, thịt lợn Cao Sơn hun khói, lạp xường, thịt dê Tả Thàng, gà đen La Pán Tẩn, chè cổ thụ, tương ớt Mường Khương… sẽ níu chân du khách ở lại. Đồng chí Phạm Bá Uyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Mỗi tuần, có khoảng 300 khách du lịch khám phá sông Chảy theo tuyến đường thủy từ Cốc Ly lên Cao Sơn, Tả Gia Khâu và họ rất thích thú với sự trải nghiệm này. Nếu dọc sông Chảy phía Mường Khương xây dựng được những điểm dừng chân đẹp mắt, chắc chắn lượng khách du lịch sẽ tăng lên nhiều lần. Du lịch sông Chảy là một tiềm năng to lớn, trong tương lai sẽ là một trong những “chìa khóa vàng” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuyến đường từ Lùng Chéng Nùng (Cao Sơn) xuống bờ sông Chảy được mở mới.
Tiềm năng của sông Chảy không chỉ là những gì mà người ta dễ nhận thấy, như nguồn lợi thủy sản dồi dào; là vẻ đẹp tự nhiên, hấp dẫn dọc bờ sông để phát triển kinh tế du lịch; là mỏ cát lớn để khai thác phục vụ xây dựng; cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Ở dọc sông Chảy còn có tiềm năng vô cùng to lớn, đó là sự cần cù, khát khao vươn lên của người dân. Người dân xứ Mường không phải là không nhận thấy lợi thế của sông Chảy. Lòng hồ sông Chảy càng mênh mông càng khiến khát khao vươn lên của họ cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Bài 2: Biến khát vọng thành hiện thực