Với độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, đỉnh Ma Cha Va (Bát Xát) bốn mùa mây phủ. Trên gần đỉnh núi ấy có một xóm nghèo người Mông cùng mang tên Ma Cha Va, từ năm này qua năm khác bám đất, bám rừng mà sống. Họ có chung một giấc mơ là thoát nghèo, cuộc sống đủ đầy.
Chúng tôi chinh phục Ma Cha Va vào một ngày hè nắng rọi. Trên triền dốc, những cây ngô cong mình, lá héo úa vì thiếu nước, đang đợi đêm đến, khi sương xuống để hồi sinh. Ma Cha Va vốn là vùng đất cằn, cỏ cây và con người nơi đây đều phải vươn lên trong khắc nghiệt. Hôm nay Ma Cha Va vẫn thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện lưới quốc gia, đường sá đi lại khó khăn, đây là xóm nghèo và khó khăn nhất của thôn Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu (Bát Xát). Vậy nhưng, người Mông ở Ma Cha Va từ đời này qua đời khác vẫn bám trụ trên mảnh đất này.
Xe máy gài số 1, chật vật hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được Ma Cha Va. Dừng chân tại đầu xóm để hỏi đường, chúng tôi bắt chuyện một phụ nữ có vóc người nhỏ nhắn, nước da sạm đi vì nắng gió đại ngàn. Trên lưng chị là chiếc thồ bằng gỗ buộc chặt 2 chiếc can 20 lít trĩu vai. Chúng tôi tò mò hỏi nhưng chị chỉ ra hiệu bằng cái xua tay và nói: “Không biết đâu”. Về sau, chúng tôi mới biết đó là 2 can nước được chị lấy về từ một nơi rất xa. Chúng tôi tìm đến nhà anh Sùng A Sử, một người dân trong xóm Ma Cha Va khi anh vừa đi chở nước bằng chiếc xe Win đã cũ. Anh nói: “Nhà mình mua được xe nên chở nước cũng đỡ, những nhà khác phải đi “cõng” nước, mà có xe cũng chỉ đỡ được một đoạn thôi, khe suối ở trong rừng, phải đeo can vào mà gùi. Nóng, vất vả lắm”.
![]() |
Xóm nghèo Ma Cha Va. |
Xóm Ma Cha Va nằm trên núi cao nên không có nguồn nước tự nhiên. Hằng ngày, mỗi hộ đều cử ra ít nhất một người lớn đi “cõng” nước từ các khe nhỏ cách nhà khoảng 500 mét. Vào thời kỳ cao điểm của mùa khô (tháng 3, tháng 4 âm lịch), quãng đường lấy nước dài đến gấp đôi. Mỗi lần xuống khe suối, một người có thể gùi được 30 - 40 lít nước, đủ sinh hoạt trong một ngày cho người và cho vật nuôi. Việc tắm giặt là tranh thủ khi đi làm, quần áo phơi trên các mỏm đá cạnh nương, đến chiều thì thu về. Từ đời này sang đời khác, bà con xóm Ma Cha Va vẫn kiên cường trước những khó khăn về nước sinh hoạt như thế.
Trong căn nhà tường trình mát mẻ, cái nắng và ánh sáng mặt trời bị bỏ lại phía sau những bức tường đất. Tạch! Bóng điện sáng nhấp nháy thứ ánh sáng lờ nhờ, đùng đục, anh Sử giải thích: “Điện này kéo cách đây 2 cây số, dây điện nhỏ nên rất yếu. Mà đây là điện dùng nhờ dưới thôn thôi, Nhà nước chưa đầu tư điện cho trên xóm Ma Cha Va vì xa quá”. Mong muốn có điện lưới với người dân Ma Cha Va đến nay vẫn chỉ là mơ ước. Cả xóm nghèo với 24 hộ dân thì chỉ 1 hộ có ti vi, tối đến, trẻ em, người lớn lục tục kéo nhau đến xem nhờ. Anh Sử bảo: “Chỉ thương bọn trẻ, thích xem tivi vì có nhiều cái hay. Hôm nào điện yếu quá không xem được chúng ngẩn ngơ rồi khóc rưng rức.”
Câu chuyện tiếp theo của anh Sử đã giúp chúng tôi hiểu thêm cách mưu sinh của người Mông trên đỉnh Ma Cha Va. Anh Sử dẫn chúng tôi đến nhà anh Sùng A Chu, ngôi nhà mới dựng xong cách đó chưa lâu, những bức tường còn ngai ngái mùi đất. Anh Chu còn khá trẻ và là người có khát vọng làm giàu. Anh Chu kể rằng, cây thảo quả vốn là nguồn thu nhập chính của bà con Ma Cha Va. Năm 2013, thảo quả bị tuyết lấp hơn 1 tháng, chết sạch. Đến năm 2014, người dân vay vốn ngân hàng để cứu cây thảo quả bằng cách bón phân, chăm sóc. Thảo quả đang dần hồi phục thì lại có đợt tuyết tiếp theo dội xuống và người dân lại phải cặm cụi gây dựng rừng thảo quả nhưng phải chờ tới 3 năm sau mới có thể cho thu hoạch. Anh Chu cứ trăn trở mãi về con đường phát triển kinh tế và rồi anh cũng chọn được cho mình bằng cách chăn nuôi. “Ma Cha Va có rừng, có cỏ, tại sao mình không nuôi trâu, nuôi bò, nuôi dê?”- anh Chu bảo. Nghĩ là làm, cuối cùng thành quả lao động của gia đình anh là căn nhà mới vừa được dựng lên khang trang hơn. Khó khăn là thế, khắc nghiệt là thế nhưng người dân Ma Cha Va kiên quyết không nghe theo kẻ xấu mà bỏ rừng, rời bản. Xóm nhỏ dù nghèo mà vẫn vui vầy, thân thiện và hiếu khách.
Anh Chu nói: “Cuộc sống khó khăn nhưng ở Ma Cha Va, mọi người vẫn đoàn kết thương yêu, đùm bọc nhau lắm. Đã từ lâu, Ma Cha Va không xảy ra xích mích nào, dù là rất nhỏ”. Tình đoàn kết ấy ngày càng được hun đúc khi họ dùng chung một nguồn nước, một chiếc máy xay xát, xem chung một chiếc tivi. Họ có chung một mơ ước là ngày nào đó, xóm nghèo được Nhà nước đầu tư con đường để người dân dễ đi hơn; hộ dân nào cũng được sử dụng điện lưới quốc gia để cuộc sống vơi đi những thiếu thốn.