Việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sản, tự tiêu nhằm từng bước thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch là cần thiết.
Đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia theo đúng chủ trương của Chính phủ về tăng trưởng xanh và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam để hiện thực hoá mục tiêu giảm lượng phát thải nhà kính về Net Zero vào năm 2050.
Để xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích này bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu, về việc xây dựng Nghị định: Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có chỉ đạo về việc này, vì vậy việc xây dựng Nghị định để chế định các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời áp mái là chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, bảo đảm không được thiếu điện trong thời gian tới.
Trường hợp để chậm chễ trong việc xây dựng Nghị định này thì Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương, tích cực và chủ động xây dựng Dự thảo Nghị định từ thực tiễn, cơ sở khoa học, vấn đề pháp lý để xác định nội hàm của Nghị định, mục tiêu của Nghị định trong đó có việc tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của các chính sách trước đây để có cái nhìn khách quan, trên cơ sở đó xây dựng Nghị định phù hợp với tình hình thực tế và đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng trước 25 tháng 4 năm 2024.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ chương trình, hồ sơ xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp…, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:
Về phạm vi, đối tượng được áp dụng của Nghị định: là mái nhà dân, cơ quan công sở, tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp/Cụm công nghiệp…. dưới hình thức tự sản tự tiêu có đấu nối với điện lưới Quốc gia hoặc hoạt động độc lập không đấu nối với điện lưới Quốc gia, có Pin lưu trữ, hoặc không có Pin lưu trữ, nghiên cứu giải pháp sử dụng Zero export tuỳ theo từng đối tượng và công suất đặt của hệ thống Điện mặt trời mái nhà nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: (i) Phương án phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà được tính toán để hài hoà giữa các loại hình nguồn điện đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; (ii) Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong vận hành đối với Hệ thống điện Quốc gia.
Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ/ngành có liên quan, EVN… Xây dựng bộ hồ sơ mẫu quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về quản lý nhà nước trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái nhà; quy định rõ quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết của từng lĩnh vực có liên quan trên tinh thần một cửa liên thông, minh bạch, công khai, cải cách và rút ngắn tối đa các hồ sơ, thủ tục, trong đó có các quy định về quy trình thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy… để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tránh các hành vi trục lợi, tiêu cực. Nghiên cứu bổ sung các cơ chế để có thể kiểm tra, giám sát, điều khiển xa với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất lớn để đảm bảo các đơn vị điều độ thuộc EVN có thể chủ động trong việc đóng cắt từ xa đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm đảm bảo linh hoạt, an toàn trong việc vận hành hệ thống điện Quốc gia.
Chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, trong đó có lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng thì cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất… để khuyến khích và bảo đảm lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư.
Nhà nước Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời áp mái nhà tự sản, tự tiêu, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác) nếu đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp thì không giới hạn quy mô phát triển. Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, vì vậy, trường hợp cần thiết có thể huy động bổ sung nguồn điện năng lượng tái tạo thay thế cho các nguồn điện khác để bảo đảm không thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan sớm triển khai việc thực hiện giá điện 2 thành phần để khách hàng sử dụng điện nâng cao ý thức trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện, đồng thời giúp cho công tác đầu tư nguồn điện, lưới điện đạt được hiệu quả tốt hơn.
Về trình tự, thủ tục xây dựng Nghị định: Giao Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định Dự thảo Nghị định nếu phát hiện các nội dung cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.