Tour du lịch “vàng” “2 quốc gia - 6 điểm đến” là sáng kiến do ngành du lịch tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề xuất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2019 tại thị xã Sa Pa. Đây là một trong những sản phẩm du lịch mang dấu ấn đậm nét của tình hữu nghị, gắn kết hợp tác giữa các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách mỗi bên.
Để hoạt động du lịch ngày càng phát triển, thời gian qua, các địa phương của 2 quốc gia đã triển khai nhiều giải pháp, như: tăng cường quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch; tổ chức hội thảo, giải đáp các vướng mắc, làm rõ những khó khăn trong quá trình kết nối du lịch giữa 2 nước; khảo sát các điểm du lịch, thiết kế các tour du lịch mới, hướng tới mục tiêu thực hiện tour du lịch "vàng" "2 quốc gia - nhiều điểm đến" nhằm thúc đẩy du lịch, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa 2 quốc gia.
Lào Cai - sẵn sàng các điều kiện để đón khách từ Trung Quốc
Với vị trí cửa ngõ, cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hơn 182 km đường biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), những năm qua, Lào Cai luôn tích cực, chủ động để thúc đẩy các quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các tỉnh trong tuyến. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, Lào Cai rất coi trọng thị trường khách du lịch đến từ Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng, xác định đây là thị trường khách truyền thống, quan trọng của tỉnh.
Lào Cai hiện có 36 khu, điểm du lịch, trong đó 1 khu du lịch quốc gia Sa Pa, 2 khu du lịch cấp tỉnh (khu du lịch thành phố Lào Cai và khu du lịch Bắc Hà), 33 điểm du lịch. Tổng số cơ sở lưu trú là 1.574, với khoảng 16.000 phòng, gồm: 4 khách sạn hạng 5 sao; 9 khách sạn hạng 4 sao; 13 khách sạn hạng 3 sao; 61 khách sạn hạng 2 sao; 129 khách sạn hạng 1 sao; 890 cơ sở lưu trú không xếp hạng (khách sạn, nhà nghỉ) và 468 (homestay).
Ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Vân Nam nói chung và các doanh nghiệp của thành phố Mông Tự, Châu Hồng Hà, (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) nói riêng đến tham quan, kết nối, hợp tác và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng - Việt Nam.
"Lào Cai rất trân trọng sự chung tay của các doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến du lịch hai bên trong việc tăng cường trao đổi thông tin, tài liệu và tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình xúc tiến, nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của nhau để phát triển, mở rộng thị trường du khách"- ông Trần Sơn Bình nhấn mạnh.
Quảng Ninh - nghiên cứu đa dạng hóa các tuyến, hành trình du lịch
Quảng Ninh là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới trên biển và đất liền với Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc có thể đến Quảng Ninh bằng đường bộ (qua các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai, Hữu Nghị quan); bằng đường biển qua Cảng Hòn Gai hoặc bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng) và Vân Đồn (Quảng Ninh).
Cùng với đó, Quảng Ninh có lợi thế về giao thông: trục cao tốc kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; điều kiện tự nhiên, văn hóa đa dạng. Đặc biệt, địa phương còn có tiềm năng du lịch biển đảo; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đồng bộ. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu năm 2025 đón 19 triệu khách du lịch, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế.
Để liên kết phát triển du lịch, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát, trao đổi thông tin báo chí giữa hai bên để hiểu sâu hơn về sản phẩm du lịch mới; các doanh nghiệp tăng cường hợp tác đưa khách Việt Nam đi du lịch Vân Nam (Trung Quốc) và khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam qua Vân Nam, đồng thời, nghiên cứu đa dạng hóa các tuyến, hành trình du lịch.
Quảng Ninh cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu mở các đường bay, chuyến bay charter (loại hình chuyến bay mà một tổ chức, một nhóm hoặc một cá nhân thuê toàn bộ hoặc một phần của một máy bay để thực hiện một hành trình cụ thể) từ Vân Nam đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Hải Phòng - nhiều điểm đến có giá trị nổi bật toàn cầu
Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có công nghiệp phát triển hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.
Hải Phòng cũng là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với các sản phẩm chủ lực như: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch giải trí, công vụ, thể thao.
Về du lịch, Hải Phòng có nhiều điểm đến có giá trị nổi bật toàn cầu, trong đó nổi tiếng nhất là quần đảo Cát Bà. Đây là điểm đến duy nhất trên thế giới hội tụ 7 danh hiệu quốc gia và quốc tế, đó là: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn biển, thành viên câu lạc bộ vịnh biển đẹp nhất thế giới, đồng thời là di sản thiên nhiên thế giới, di sản địa chất thế giới.
Ngoài Cát Bà, Hải Phòng còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác, như: bán đảo Đồ Sơn, đảo Vũ Yên, khu di tích Bạch Đằng Giang, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cảng Hải Phòng, nhiều sân Golf đẹp...
Hải Phòng cũng là thành phố ẩm thực nổi tiếng, được ví như "bếp ăn của Việt Nam".
Hải Phòng kết nối thuận lợi với các trung tâm du lịch khác, như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lào Cai; kết nối đường bay quốc tế tới nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch quốc tế như Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Lệ Giang, Côn Minh (Trung Quốc)…
Hải Phòng đang phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước, quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Hà Nội - thủ đô với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử
Thủ đô Hà Nội với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hoá hấp dẫn, cả vật thể và phi vật thể. Với nguồn tài nguyên tự nhiên độc đáo, Hà Nội có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển loại hình du lịch văn hóa.
Xác định rõ văn hóa là yếu tố cốt lõi, là động lực góp phần quan trọng vào phát triển bền vững, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Các hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, tạo nên sự đa dạng, phong phú, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với thủ đô.
Hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch thủ đô chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội định hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, hướng đến cộng đồng; bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương; chia sẻ hài hòa lợi ích, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách.
Để hướng đến phát triển tour du lịch “vàng” giữa Trung Quốc và Việt Nam, Hà Nội đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù, gắn kết các điểm đến tham quan du lịch của Vân Nam (Trung Quốc) với Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng (Việt Nam) thành một tuyến với lộ trình tham quan và tên gọi cụ thể; trao đổi tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động du lịch của 2 nước.
Đồng thời, thiết lập cơ chế để trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thúc đẩy hoạt động du lịch giữa các địa phương và định kỳ hằng năm tổ chức ít nhất một hoạt động xúc tiến du lịch tại các địa phương.
Thành phố Di Lặc và thành phố Mông Tự (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc)
Những năm gần đây, Vân Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách, trong đó có khách du lịch đến từ Việt Nam; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, Vân Nam đã đón 233.000 khách du lịch đến từ Việt Nam. Việt Nam trở thành thị trường khách nước ngoài quan trọng đối với Vân Nam (Trung Quốc).
Với mục tiêu phấn đấu đưa tour du lịch “vàng” "2 quốc gia - 6 điểm đến" trở thành tour "2 quốc gia – nhiều điểm đến”, Vân Nam đang tăng cường giới thiệu nhiều điểm đến hấp dẫn, như: phố cổ Thạch Bình, Kiến Thủy hay những ngọn núi hùng vĩ ở Bình Biên.
Để tour du lịch "vàng" ngày càng phát triển, bà Tiền Khôn, thành viên Đảng tổ Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam cho biết: Vân Nam mong muốn các doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến du lịch của hai bên tăng cường trao đổi thông tin, tài liệu và tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình xúc tiến, nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, mở rộng thị trường khách du lịch tiềm năng giữa các tỉnh, thành phố của hai nước.
Ông Thái Hạo, Phó Châu trưởng Chính quyền Nhân dân châu Hồng Hà cũng bày tỏ mong muốn các địa phương, đơn vị liên quan sẽ cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc liên kết, phát triển du lịch. Các tỉnh, thành phố của Việt Nam cùng với Vân Nam (Trung Quốc) sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến, quảng bá cảnh đẹp, văn hóa của mỗi bên đến du khách 2 nước và các nước thứ 3.
* Bài viết sử dụng một số hình ảnh từ Cổng thông tin du lịch của các địa phương