"Dịch bệnh" béo phì chủ yếu tấn công các nước nghèo hơn và tỷ lệ này đang gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên nhanh hơn người lớn, theo nghiên cứu được thực hiện với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Được công bố trước Ngày Thế giới Phòng chống Béo phì 4/3, nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 226 triệu người trưởng thành, thanh thiếu niên và trẻ em béo phì trên thế giới vào năm 1990. Con số này đã tăng lên 1,038 tỷ người vào năm 2022.
Francesco Branca, giám đốc dinh dưỡng y tế tại WHO, cho biết việc số người béo phì vượt quá một tỷ người đã đến "sớm hơn nhiều so với dự đoán của chúng tôi".
Dù liên tục thông báo số lượng người béo phì đang tăng nhanh, các bác sĩ trước đó dự báo con số này sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ người vào năm 2030.
Theo tạp chí y khoa Lancet, các nhà nghiên cứu đã phân tích cân nặng và chiều cao của hơn 220 triệu người ở hơn 190 quốc gia để làm cơ sở ước tính, Lancet nói.
Họ ước tính rằng 504 triệu phụ nữ trưởng thành và 374 triệu nam giới béo phì trong năm 2022. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kể từ năm 1990, tỷ lệ béo phì đã tăng gần gấp 3 lần đối ở nam giới (14%) và tăng hơn gấp đôi đối với phụ nữ (18,5%).
Theo nghiên cứu, khoảng 159 triệu trẻ em và thanh thiếu niên đang sống chung với bệnh béo phì trong năm 2022, tăng từ khoảng 31 triệu người hồi năm 1990.
Béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh mãn tính và có nguy cơ tử vong cao, như bệnh tim, tiểu đường và một số loại ung thư. Thừa cân làm tăng nguy cơ tử vong trong đại dịch Covid-19.
Các quốc gia ở Polynesia và Micronesia, Caribe, Trung Đông và Bắc Phi là những nơi có số lượng người béo phì tăng nhanh nhất. "Các quốc gia này hiện có tỷ lệ béo phì cao hơn nhiều nước công nghiệp có thu nhập cao, đặc biệt là châu Âu", nghiên cứu cho biết.
"Trước đây, chúng ta nghĩ béo phì là bệnh của người giàu, giờ đây, nó là vấn đề của thế giới", ông Branca nói, nhấn mạnh rằng sự thay đổi lối sống nhanh chóng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ béo phì gia tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Majid Ezzati thuộc Đại học Hoàng gia London, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết có những dấu hiệu cho thấy béo phì đang chững lại ở một số nước Nam Âu như Pháp và Tây Ban Nha, "đặc biệt là đối với phụ nữ".
Tuy nhiên, ông Ezzati cho rằng ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ người béo phì thường lớn hơn tỷ lệ người thiếu cân. Mặc dù thiếu ăn là nguyên nhân chính dẫn đến còi cọc, nhưng ăn uống không điều độ lại là tác nhân chính gây béo phì.
"Nghiên cứu mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát béo phì từ đầu đời đến tuổi trưởng thành, thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc sức khỏe, khi cần thiết", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Ông nói thêm rằng nỗ lực để cắt giảm tỷ lệ béo phì "cần có sự hợp tác của khu vực tư nhân, họ phải chịu trách nhiệm về các sản phẩm của họ đối với sức khỏe con người". WHO đã ủng hộ đánh thuế mạnh tay đối với đồ uống có đường, hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em và tăng trợ cấp đối với thực phẩm lành mạnh.