Phiên họp 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc vào chiều nay 8/1. Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Có thể nói, đây là động thái rất khẩn trương của Chính phủ và Quốc hội trong thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Phiên họp 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết quả giám sát cho thấy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025.
Do đó, Quốc hội khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn (dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào trung tuần tháng 1).
Thời gian làm việc còn lại của ngày hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ngày mai 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Với 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận tại 3 kỳ họp của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thảo luận qua 2 kỳ họp của Quốc hội, song vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao.
Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2023), Quốc hội quyết định chưa thông qua 2 dự thảo luật này mà sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp Quốc hội gần nhất. Bởi lẽ đây là hai luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ để xem xét thật thấu đáo mọi mặt.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.