Ngày 29/7, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) – Đại học Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội các Khoa-Trường-Viện CNTT&TT Việt Nam (FISU Việt Nam) tổ chức hội thảo Khoa học “Công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực” lần thứ 12 – CITA 2023.
Theo Ban tổ chức, được khởi xướng vào năm 2012, CITA (Conference on Information Technology and its Applications) là chuỗi hội thảo khoa học về công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực được tổ chức hàng năm bởi VKU.
Mục tiêu chính của hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ và kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia công bố, thảo luận và chia sẻ về các vấn đề mới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng.
Theo đó, CITA 2023 - lần thứ 12, đã có một sự phát triển vượt bậc về chất lượng cũng như số lượng, đặc biệt đã phát triển thêm một phiên quốc tế với kỷ yếu hội thảo đã được xuất bản trong Lecture Notes in Network and Systems (Springer) thuộc cơ sở dữ liệu DBLP, Scopus, Web of Science.
Hội thảo năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 155 bài báo khoa học của gần 400 tác giả từ các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Áo, Canada, Pháp, Ấn Độ, Ireland, Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Malaysia. Myanmar, Ba Lan, Nga, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Sau quá trình phản biện hết sức chặt chẽ và nghiêm túc, mỗi bài báo có từ 2-4 phản biện đã có 33 bài báo được lựa chọn để đăng vào track quốc tế tại Volume 734 của Lecture Notes of Networking and Systems (tỷ lệ chấp nhận là 21%) và 36 bài chất lượng khác đăng vào Kỷ yếu Hội thảo quốc gia CITA 2023.
Trong đó, 6 báo cáo có chất lượng được lựa chọn để xuất bản trong số dành riêng của Chuyên san các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng, dụng CNTT và truyền thông (ISSN 1859-3526), Tạp chí Thông tin và Truyền thông uy tín của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại phiên toàn thể của CITA 2023, các đại biểu dự hội thảo được nghe báo cáo đề dẫn rất chất lượng của GS. Lê Khắc Nhiên Ân đến từ Trường Khoa học máy tính (School of Computer Science) của Đại học Dublin, Ireland về các vấn đề liên quan “Artificial Intelligence in Cybersecurity and Digital Forensics”.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra 11 phiên báo cáo song song (6 phiên quốc gia và 5 phiên quốc tế) với nhiều chủ đề hay và phát triển mạnh hiện nay trong công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số gồm: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; Xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên; Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin; Mạng và Truyền thông; Kinh tế số…
Kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 3 nhóm tác giả có bài báo xuất sắc nhất (Best paper) gồm: 1 bài của Track Quốc tế dành cho nhóm tác giả đến từ Việt Nam và Hàn Quốc, 1 bài của Track Quốc gia dành cho nhóm tác giả đến từ Việt Nam và Canada và 1 bài dành cho tác giả là sinh viên đến từ Việt Nam và Ireland.