Đại diện các nước bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 20/2/2024.
Để được thông qua, một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần nhận được ít nhất 9 phiếu thuận và không bị phủ quyết bởi bất kỳ thành viên thường trực nào trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ).
Dự thảo nghị quyết do Algeria soạn thảo yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza, đồng thời lên án mọi hành vi tấn công nhằm vào dân thường. Dự thảo cũng bác bỏ việc cưỡng bức di dời dân thường Palestine và yêu cầu quyền tiếp cận nhân đạo không bị cản trở tới Gaza; yêu cầu thực hiện việc trao trả tự do cho tất cả con tin ngay lập tức và vô điều kiện.
Trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc - bà Linda Thomas Greenfield, bày tỏ quan ngại văn kiện do Algeria đề xuất sẽ cản trở những nỗ lực đang diễn ra hướng tới thỏa thuận trao đổi con tin. Thay vào đó, đại diện ngoại giao Mỹ cho biết phái đoàn của bà đang nghiên cứu một dự thảo nghị quyết khác kêu gọi "ngừng bắn tạm thời" dựa trên công thức thả tất cả con tin. Dự thảo của Mỹ cũng đồng thời cảnh báo Israel không nên tấn công quân sự nhằm vào Rafah ở thời điểm hiện nay. Đây là lần đầu tiên Mỹ đề xuất khái niệm “ngừng bắn” liên quan đến xung đột Israel-Hamas kéo dài 5 tháng qua.
Lý giải cho việc sử dụng quyền phủ quyết trước dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bà Greenfield cho biết dự thảo không mang lại nền hòa bình bền vững, thay vào đó, lại kéo dài thời gian giam giữ con tin và làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Bà cũng cho biết Mỹ cùng với các đối tác tại khu vực như Ai Cập, Qatar đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận con tin. Việc bỏ phiếu thông qua dự thảo mà Algeria đệ trình sẽ hủy hoại những nỗ lực ngoại giao này.
Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc – ông Vassily Nebenzia lại lên tiếng chỉ trích Washington đang dung túng cho các hành vi của Israel, đồng thời kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an hành động trong vấn đề này.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Nebenzia đã gán trách nhiệm cho Mỹ về kết quả bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngay cả khi Washington đang “cố gắng trốn tránh thực tế đó bằng cách nói về những nỗ lực hòa giải quan trọng mà nước này đang theo đuổi”.
Đống đổ nát còn lại sau khi Israel tấn công các ngôi nhà tại khu tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza.
Về phía Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc – ông Trương Quân cũng tỏ rõ sự thất vọng trước kết quả của cuộc bỏ phiếu. Quan chức ngoại giao này cho rằng, việc Mỹ sử dụng quyền phủ quyết đã phát đi một thông điệp sai lầm, có nguy cơ khiến tình hình ở Gaza trở nên nguy hiểm hơn. Cũng theo ông Trương Quân, việc Mỹ tuyên bố rằng, bản dự thảo quyết do Algeria soạn thảo sẽ can thiệp vào các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm giải quyết vấn đề Gaza là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Theo lý giải của ông Trương Quân, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phải hành động để thúc đẩy lệnh ngừng bắn, đó là trách nhiệm pháp lý của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc. “Quyền phủ quyết của Mỹ không thể bóp nghẹt lời kêu gọi mạnh mẽ về ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh ở Gaza…. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể ngừng việc bảo vệ công lý và thực hiện trách nhiệm của mình chỉ vì quyền phủ quyết” – ông Trương Quân nói.
Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Nicholas de Riviere cũng lấy làm tiếc khi bản dự thảo nghị quyết đã không được thông qua do tình hình thảm khốc trên thực địa. Theo quan điểm của ông Riviere thì các bên cần ký kết thỏa thuận ngừng bắn một cách không chậm trễ, nhằm bảo vệ tất cả dân thường và cung cấp viện trợ khẩn cấp quy mô lớn.
"Số thương vong về người và tình hình nhân đạo ở Gaza là không thể chấp nhận được và các chiến dịch của Israel phải dừng lại” – đại diện ngoại giao Pháp bày tỏ.
Văn bản do Algeria đệ trình là dự thảo nghị quyết thứ 8 liên quan đến tình hình Gaza đã được đưa ra bỏ phiếu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kể từ khi xung đột giữa phong trào Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10/2023. Trong số này, chỉ có hai dự thảo nghị quyết được thông qua, tuy nhiên, cả hai đều không kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn.