Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả phát triển kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay cho thấy nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm…
Đầu tư công sẽ bứt phá
Dư địa nhiều nhất cho tăng trưởng những tháng cuối năm tập trung vào động lực đầu tư công. Tính đến ngày 31/11/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 54,8% kế hoạch năm và đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức giải ngân 59,4% và 65,1% của cùng kỳ năm 2023.
Theo quy định, thời gian để hoàn tất thủ tục giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 được tính đến hết tháng 1/2025. Như vậy, áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn, nhất là đối với các địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã tham mưu nhiều giải pháp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định, nghị quyết để chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung vào các giải pháp về đôn đốc chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Các chủ đầu tư cần làm sớm, làm nhanh các thủ tục kiểm đếm, nghiệm thu khối lượng, hồ sơ thanh quyết toán để có thể giải ngân được lượng vốn trong kế hoạch đang còn tồn đọng rất nhiều. Trên cơ sở đã được phân cấp, các bộ, ngành, địa phương rà soát ngay kế hoạch vốn, làm cơ sở điều chỉnh vốn từ dự án chậm sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Giải pháp đột phá cho đầu tư công là thể chế. Luật Ðầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, về cơ bản sẽ giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, tồn đọng từ trước đến nay. Từ đó, tạo căn cứ pháp lý đồng bộ để triển khai những quy định mới ngay trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 cũng như trong chuẩn bị xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có nỗ lực vượt bậc khi đạt tốc độ tăng của kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ước cả năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu lần đầu vượt 800 tỷ USD, trong đó giá trị xuất siêu ước đạt khoảng hơn 23 tỷ USD.
Nghiên cứu gói hỗ trợ đủ lớn cho doanh nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Cụ thể, tính đến hết quý III/2024, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 79,9% GDP, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn chiếm 11,64%. Trong đó, công nghiệp đang phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Ðáng lưu ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy các doanh nghiệp công nghiệp đã có sự thích nghi và tăng trưởng tích cực.
Với vai trò là "kiến trúc sư trưởng" của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm để nền kinh tế tăng tốc "về đích".
Ðó là tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, xác định hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư. Ðồng thời tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, chú trọng các giải pháp bảo đảm nguồn cung và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm.
Ðây cũng là thời điểm cần nghiên cứu các gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tuy đã giảm bớt khó khăn nhưng còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao các cơ quan chức năng nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Ðồng thời tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt hơn 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng hơn 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch.