Nhiều du khách cũng dừng xe checkin cổng trời. Sự đông vui tạo nên một ngày cuối tuần nhộn nhịp cho cô chủ quán nước ven đường. Dù đã nhiều lần dừng chân ở đây nhưng lần nào với tôi cũng như lần đầu. Tôi buông lỏng người nghỉ ngơi và nhìn ngắm núi đôi. Hai trái núi nằm cạnh nhau như hai giọt nước.
Thiên nhiên thật khéo tạo ra những kiệt tác mà con người không thể lý giải. Nhắc đến núi đôi thường khiến những người có suy nghĩ phong phú gợi nhiều liên tưởng. Với tôi, sự xuất hiện của núi đôi như một nét chấm phá giữa bạt ngàn đá và đá mà thiên nhiên ban tặng cho Quản Bạ, cho Hà Giang và những ai yêu mến nơi đây.
Đang thả mình trong khung cảnh tuyệt đẹp nhìn từ trên cổng trời thì một nhóm du khách nước ngoài nhờ tôi chụp giúp họ bức ảnh cả đoàn làm kỉ niệm. Trèo lên một mỏm đá để lấy đủ góc máy, chợt tôi thấy rung rinh dưới chân là một vạt hoa dại màu tím ngát.
Sau khi bấm lia lịa đến mấy chục kiểu, tôi trả lại chiếc máy ảnh kỹ thuật số cho nhóm khách nước ngoài rồi chạy về phía vách đá. Những bông hoa tím đung đưa theo từng làn gió trông thật thích mắt. Chúng mọc thành từng thảm giữa những kẽ nứt của đá núi. Tôi không biết loài hoa dại đó tên gì, chúng có thân như thân cỏ và nở những bông nhỏ li ti tím muốt. Vì chỉ nhìn thấy chúng mọc trong kẽ đá nên tôi tạm gọi là hoa đá. Một sự thú vị riêng có của thiên nhiên Hà Giang.
Giữa vách đá thô cứng xù xì tưởng như không có sự sống ấy, những cây hoa vẫn nảy nở, sinh sôi để dâng cho đời hương sắc. Nhìn những bông hoa đá kia, tôi chợt nghĩ đến người Mông sống ở nơi này. Có lẽ họ là những người kiên cường nhất mà tôi từng biết. Họ là minh chứng rõ nét và cụ thể nhất như hai câu thơ trong bài “Nói với con” của cố nhà thơ Y Phương:“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Họ đời nối đời sống hiên ngang dù còn bao nhiêu toan lo vất vả. Họ thuỷ chung với mảnh đất này như loài hoa đá kia.
Tôi từng không tin người Mông có thể gùi từng nắm đất đổ đầy các hốc đá để canh tác cho đến khi tận mắt nhìn thấy. Họ khiến tất cả những người hiểu biết đều khâm phục. Họ đã phủ xanh những đá xám bạt ngàn bằng lúa, ngô. Cây ngô như không phụ lòng người cứ lên xanh tốt để đem về món mèn mén đặc sản chỉ người Mông mới có. Dù sinh trưởng trong những kẽ đá chật hẹp và nghèo dinh dưỡng, những bông hoa dại tim tím kia vẫn vươn mình trỗi dậy mỗi khi mùa về. Người Mông cũng thế, dù cuộc sống mưu sinh vất vả, sống trên đá, chết vùi trong đá, họ luôn lạc quan yêu đời, luôn mang đến những tiếng khèn, điệu nhảy trong các ngày chợ phiên và đặc biệt, họ luôn nhìn về tương lai với một niềm tin riêng có, một niềm tự tôn mà không một ai có thể làm họ lay chuyển.
Khi những nương Tam giác mạch chưa đến mùa thì loài hoa dại kia như một nét chấm phá mà thiên nhiên dành cho miền đá. Hoa vốn dĩ không biết dấu mình, cứ đến thì sẽ bung nở để khoe ra hết những dịu dàng, rực rỡ. Người Mông cũng thế, họ sống thật thà, thẳng thắn như những cây gỗ trong rừng, như đá trên núi và như những bông hoa dại kia. Cứ lặng lẽ khoe sắc, tỏa hương tô đẹp cho đời, cho miền đá và họ đã góp phần làm nên một Hà Giang mê hoặc, cuốn hút du khách thập phương như hôm nay.