Năm 2019, anh Trần Tuấn Anh ở thôn Dạ 2, xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) quyết định khởi nghiệp bằng mô hình nuôi ốc nhồi. Không có sẵn ao hay ruộng để thực hiện dự án, anh xây 3 bể nuôi trên nền đất vườn, diện tích 200 m2 bằng kỹ thuật lót bạt dưới đáy bể và cho bùn, bơm nước tạo sinh cảnh. Với số vốn khởi nghiệp 5 triệu đồng, anh mua 13.000 ốc giống về nuôi. Nhờ đã tìm hiểu kỹ thuật nuôi qua sách, báo, mạng internet nên lứa đầu nuôi rất thuận lợi, đạt lợi nhuận cao.
Đến nay, anh Tuấn Anh đã mở rộng diện tích nuôi ốc nhồi lên 14 bể, diện tích 1.200 m2, gồm ốc nhồi thương phẩm và sản xuất con giống; trung bình mỗi năm thu hoạch 8 - 12 tấn ốc thương phẩm và hơn 15 triệu con giống. Thị trường tiêu thụ chính ở trong tỉnh và các tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam… Với giá bán từ 70.000 đồng/kg đến 90.000 đồng/kg ốc thương phẩm và hơn 500.000 đồng/kg ốc giống, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, anh Tuấn Anh còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cung cấp con giống, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi ốc ở trong và ngoài tỉnh.
Anh Tuấn Anh cho biết: Mô hình nuôi ốc nhồi dễ thực hiện bởi có thể chuyển đổi từ đất ruộng, ao, hồ hoặc đất vườn với chi phí ban đầu thấp. Mô hình này rất phù hợp để khởi nghiệp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn. Ao nuôi không cần kiên cố, quy mô diện tích tùy khả năng của từng hộ nuôi.
Ở xã Võ Lao (huyện Văn Bàn), gia đình ông Lê Văn Hiến là hộ tiêu biểu trong phát triển thủy sản. Ban đầu ông ươm cá giống, nuôi cá thịt với các loại cá thông thường như trắm, rô phi, chép. Vài năm gần đây, ông Hiến phát triển nuôi ba ba thịt và sản xuất giống ba ba trơn, ba ba gai cung cấp cho người nuôi ở địa phương.
Ông Hiến cho biết: So với nhiều loài vật nuôi khác thì nuôi ba ba hiện nay có lợi nhuận cao bởi thịt ba ba được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, chi phí đầu tư nuôi không cao và kỹ thuật dễ áp dụng. Thức ăn chủ yếu của ba ba là ốc, cá nhỏ đều sẵn có tại địa phương. Nuôi ba ba quan trọng là đảm bảo nguồn nước sạch, con giống tốt.
Trước kia, gia đình ông Hiến phải mua con giống ở miền Nam nhưng 4 năm nay, gia đình đã tự sản xuất được con giống đáp ứng nhu cầu của gia đình và cung cấp cho người dân trong, ngoài huyện. Hiện tại, mỗi tháng ông Hiến xuất bán khoảng 2 - 3 tạ ba ba thương phẩm và hàng nghìn con ba ba giống, tạo nguồn thu gần 200 triệu đồng/năm.
Với diện tích hơn 2.300 ha mặt nước ao, hồ, mỗi năm sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 10.000 tấn. Tuy nhiên, đối tượng nuôi chủ yếu là các loại thủy sản truyền thống có giá trị kinh tế, lợi nhuận trung bình. Diện tích, sản lượng thủy đặc sản chiếm tỷ lệ thấp.
Thành công của những mô hình nuôi thủy đặc sản được nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện thời gian qua không chỉ góp phần đa dạng hóa hình thức, đối tượng nuôi mà còn mở ra triển vọng cho việc phát triển loại hình nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
Để hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nuôi thả giống thủy sản mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi các loại thủy đặc sản cho nông dân và khuyến khích người dân tìm tòi, học hỏi, mở rộng đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và tìm được thị trường tiêu thụ.