Để phong trào này thực sự có hiệu quả, tổ chức công đoàn các cấp xác định phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp nhằm tạo nên sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. Qua đó, bước vào đầu những năm học mới, các đơn vị trường học, các cơ sở đào tạo trong toàn ngành đã tổ chức hội nghị công chức ký kết giao ước thi đua trong cả năm học.
Các đợt phát động phong trào thi đua đều gắn với chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị nổi bật trong năm. Nội dung thi đua được cụ thể hóa thông qua các hoạt động hướng tới nâng cao hiệu quả của mục tiêu “Dạy tốt, học tốt” như tổ chức các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; sử dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh; khuyến khích khả năng sáng tạo của giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học…
Thông qua các nội dung này, trong 5 năm qua, toàn ngành đã có hàng nghìn giờ, tiết dạy được đánh giá xếp loại khá, giỏi qua hội giảng các cấp. Công đoàn các cấp còn tập trung vận động giáo viên tự nguyện bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh học yếu, ôn tập cho học sinh tốt nghiệp lớp 12 không nhận thù lao với 206.805 buổi dạy, tương đương 620.415 tiết học.
Bên cạnh đó, hoạt động thi giáo viên dạy giỏi được gắn kết với các danh hiệu thi đua nên đã khuyến khích được nhiều giáo viên tham gia cùng nhiều cuộc thi khác cho giáo viên như: thi nữ công gia chánh, thi cán bộ công đoàn giỏi, thi tự làm và sử dụng có hiệu quả đồ dùng dạy học… Qua các hoạt động này, từ năm 2008 đến nay, đã có hàng nghìn đoàn viên công đoàn tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học và được nghiệm thu đề tài đưa vào áp dụng.
Trong đó, nhiều đề tài cấp tỉnh được đánh giá đạt loại xuất sắc và gần 6 nghìn sáng kiến, kinh nghiệm từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được ứng dụng vào công tác quản lý mang lại hiệu quả cao. Đồ dùng dạy học trong các nhà trường cũng phong phú hơn do có tới 6.000 dụng cụ được các đoàn viên tự làm.
Ngoài ra, Công đoàn và chính quyền đồng cấp còn chú trọng triển khai đồng bộ các hoạt động như điều chỉnh nội dung môn học; đổi mới phương pháp dạy; tăng cường thăm lớp, dự giờ; rút kinh nghiệm chuyên môn; dạy văn hóa gắn với bồi dưỡng xây dựng ý thức, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được học tập nâng cao trình độ và mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.
Nhờ có những biện pháp tích cực trong thi đua “Hai tốt”, 5 năm qua ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: 2.020 lượt thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, 1.943 lượt đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 425 lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 5 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.
Chất lượng giáo dục được cải thiện rõ nét: hàng năm, tỷ lệ lên lớp ở bậc tiểu học đạt trên 98%; bậc trung học cơ sở đạt trên 97%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 98%; có 2.430 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh, 122 học sinh giỏi cấp quốc gia và nhiều giải thi Toán, thi tiếng Anh trên mạng Internet.
Từ phong trào thi đua này, rất nhiều đơn vị, cá nhân đã được tặng cờ, bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Yên Bái, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng nhiều danh hiệu khác.
P.V