Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) - di sản văn hóa thế giới, với những ngôi nhà cổ kính rêu phong, cảnh quan sông nước thanh bình và con người hiền hòa mến khách cùng với đó hàng loạt hoạt động văn hóa sôi nổi và phong cách ẩm thực vô cùng độc đáo - từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Những ngôi nhà cổ kính
Đi trên phố cổ Hội An, du khách dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm mang phong cách kiến trúc cổ xưa. Qua năm tháng, những ngôi nhà ấy vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào cuộc sống của các thế hệ chủ nhân, của những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây.
Điển hình như tại số nhà 77, đường Trần Phú, phường Minh An, TP Hội An có ngôi nhà cổ Quân Thắng, nằm trong khuôn viên rộng chừng 300m2 là nơi luôn có đông du khách nước ngoài đến tham quan. Tại đây, chủ gia là ông Diệp Bảo Hùng (85 tuổi) là thế hệ thứ 6 ở trong ngôi nhà Quân Thắng chia sẻ: “Ngôi nhà này do tổ tiên của tôi đến phố cổ Hội An vào cuối thế kỷ thứ XVII xây dựng để buôn bán và lấy tên hiệu Quân Thắng. Hiện ngôi nhà có 3 thế hệ đang sinh sống, buôn bán làm ăn chúng tôi luôn nâng niu giữ gìn những nét cổ kính giá trị của tổ tiên đã để lại cho mình”.
Ngôi nhà này, từ bên ngoài du khách có thể thấy được phần mái lợp ngói tinh xảo của nhà lợp ngói ống âm dương, cùng với 2 chiếc sạp lớn trưng bày hàng hóa, tạo nên một không gian sống động và phong phú. Các cánh cửa được điểm hóa bằng những hoa văn tinh tế và màu sắc đậm chất truyền thống. Các tấm hoành phi và câu đối trên cột được chạm khắc tinh xảo, tái hiện chân thực nét đẹp tráng lệ của Hội An cổ kính.
Bên trong căn nhà cổ Quân Thắng, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước sự tinh xảo về kiến trúc, từng cột gỗ lim đến tránh, xà kết nối. Từ các mảng tường được tô điểm bằng các hoa văn, đến những bộ cửa gỗ lim cổ kính được khắc họa từng chi tiết đầy tinh tế. Những bức tranh vẽ tay trên vải được trang trí nơi đây cũng là một điểm nhấn đặc biệt khiến cho không gian trong nhà thêm phần cổ kính.
“Đây là một trong những ngôi nhà cổ được đánh giá đẹp nhất ở Hội An do chủ hiệu buôn Quân Thắng xây dựng. Ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc điển hình của loại nhà gỗ với những cột gỗ lim to, được nối với nhau bằng các xà ngang liên hoàn tạo thành một bộ khung chắc chắn”, bà Võ Thị Ánh Dương, người dân phường Minh An, TP Hội An chia sẻ.
Ngoài ngôi nhà cổ Quân Thắng, Hội An hiện nay còn có đến khoảng 1.360 di tích, trong đó có 1.068 ngôi nhà cổ, có 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 ngôi mộ cổ và 1 cây cầu cổ luôn là điểm đến nghiên cứu hay chiêm ngưỡng của du khách gần xa. Như Tại Hội quán Phúc Kiến, cầu An Hội;… luôn đông du khách đến viếng hương, cầu an, chiêm ngưỡng nét cổ kính.
Giếng cổ nghìn năm
Không chỉ nhà cổ mà đến với Hội An, du khách còn được chiêm ngưỡng những giếng cổ. Điển hình như giếng cổ Bá Lễ, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, giếng cổ này đã tồn tại hơn nghìn năm qua, không chỉ là chứng nhân lịch sử của bao nhiêu thăng trầm nơi đô thị cổ mà còn trở thành một phần linh thiêng đối với người dân phố Hội.
Ông Huỳnh Ngọc Nổi, ở TP Hội An cho biết, giếng Bá Lễ nước rất trong, ngọt và không bị khô kiệt trong những ngày nắng hạn khắc nghiệt. Những lúc nắng hạn, hầu như gia đình nào ở nội thị phố cổ cũng thuê hoặc tự chở vài thùng nước từ giếng này về dự trữ để nấu ăn hàng ngày.
Theo ông Nổi, giếng cổ Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa, khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX, rồi tương truyền vào thế kỷ XX có một người đàn bà tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu giếng cổ này và từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ.
Giếng Bá Lễ có dạng hình vuông, tương truyền do người Chăm xây dựng. Thành giếng được xây bằng chất liệu gạch, kiên cố, chắc chắn. Dưới đáy giếng là khung gỗ lim rộng bản đã lâu đời nhưng không bị mục. Từng lớp rêu phong bám trên thành giếng tạo nên một nét cổ kính.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết: “Giếng cổ Hội An là điểm nối kết đặc biệt giữa cư dân Chăm và cư dân Việt ở Hội An, chẳng hạn như giếng Bá Lễ. Giếng cổ đã tạo nên nét độc đáo của văn hóa Hội An, là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể. Đây là một loại hình di tích hết sức đặc biệt cần được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn”.
Ở Hội An, ngoài giếng Bá Lễ nơi đây còn có 11 giếng nước cổ, hiện nay khoảng hơn một nửa số giếng cổ này vẫn đang được sử dụng nhưng theo hướng bảo vệ, gìn giữ nghiêm ngặt. Chính quyền và ngành văn hóa luôn hướng dẫn, tuyên truyền người dân không được xâm phạm, xâm hại đến các giếng cổ này.
Khách tây và phố cổ
Ngoài những nét cổ kính đã nêu, Hội An còn có những nét văn hóa mới, đó là lượng du khách trong và ngoài nước đến với phố cổ để mua sắm, chiêm ngưỡng ngày càng đông đúc, nhất là du khách nước ngoài mà người dân địa phương quen gọi chung là khách Tây.
Đường Trần Phú là con đường mà khách Tây thăm viếng đông đảo nhất. Bởi tuyến đường này dài hơn 1km, nhưng có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, giày da, áo quần;… đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Tại các cửa hàng này, khách Tây thoải mái lựa chọn đồ vật để mua hay yêu cầu nhân viên cửa hàng may cho mình các bộ đồ ưng ý. Còn các nhân viên cửa hàng nhiệt tình giới thiệu về sản phẩm họ cần mua hoặc thông tin về giá cả để cho khách hàng lựa chọn.
Du khách nước ngoài còn tản bộ trên khu phố này ngắm nhìn, check-in và chụp ảnh những ngôi nhà cổ nằm san sát nhau hoặc đến chùa thắp hương, cầu an bình. Hay chỉ đơn giản ngồi uống cà phê, cười nói rộn rã hay ngắm nhìn cảnh phố cổ Hội An thanh bình về chiều.
Chị Diễm Hương, chủ tiệm TaTa shop, trên đường Trần Phú cho biết: “Tuyến đường này luôn hút khách Tây, như tại cửa hàng tôi, họ đến để đặt may áo quần. Khách rất đa dạng, họ đến từ các nước châu Âu, hay Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Nơi đây luôn hút khách, bởi họ rất yên tâm không lo về tình trạng “chặt chém” giá cả vì chúng tôi đã niêm yết giá từng bộ quần áo để khách lựa chọn, cứ thế tiếng lành đồn xa”.
Khách Tây ưa thích phố cổ Hội An ngoài nét đẹp cổ kính thì thời tiết ở đây dễ chịu, không quá nắng nóng cũng không quá lạnh và giá tiền lưu trú rẻ, mỗi đêm ở nhà nghỉ, khách sạn dao động từ 300 - 500 ngàn đồng/phòng. Du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn như: Mì quảng, bánh xèo, cao lầu…
Chị Laura (28 tuổi), du khách đến từ Tây Ban Nha chia sẻ: “Tôi đến Hội An được 2 lần, cảnh quang ở đây quá tuyệt vời, còn con người rất thân thiện mến khách. Các món ăn rất ngon và tốt cho sức khỏe, món tôi thích nhất là cao lầu. Tôi yêu phố cổ Hội An”.
Bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng văn hóa thông tin TP Hội An cho biết: “Phố cổ Hội An hiện tại chưa có con đường nào dành riêng cho du khách Tây mà họ chỉ tham quan, dạo phố trong các tuyến đường phố cổ. Tuy nhiên theo cảm nhận của tôi thì con đường Bạch Đằng, Trần Phú… là đông khách nước ngoài nhất, bởi vì nơi đây có nhiều công trình kiến trúc nhà cổ, bảo tàng, đền chùa và nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm nên khách nước ngoài đến tham quan đông hơn so với một số tuyến đường khác ở Hội An”.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ, ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch đã góp phần đưa ngành du lịch từng bước phục hồi. Chính quyền thành phố luôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt trong việc bán hàng, niêm yết giá đúng quy định, không được “chặt chém” du khách, nếu phát hiện trường hợp nào sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm. TP Hội An đã và đang tổ chức nhiều sự kiện khác như: hát bài chòi, văn nghệ; ẩm thực và nhiều lễ hội để du khách thưởng thức khi đến tham quan phố cổ Hội An.
Hội An được bình chọn thành phố đẹp thứ 4 thế giới Theo công bố giải World's Best thường niên vào tháng 7/2024 của tạp chí du lịch Mỹ Travel & Leisure, Hội An đứng thứ 4 tại hạng mục 25 thành phố đẹp nhất thế giới 2024 với 90,67 điểm trên 100, sau San Miguel de Allende của Mexico, Udaipur của Ấn Độ và Kyoto của Nhật Bản. Ngoài ra, trong top 25 thành phố đẹp nhất châu Á, Hội An đứng thứ 3 sau hai đại diện từ Ấn Độ và Nhật Bản. Trong mắt du khách quốc tế và các chuyên gia du lịch, "không có gì ngạc nhiên khi Hội An xuất hiện trong danh sách". Ngoài danh hiệu Di sản Thế giới UNESCO trao cho Phố cổ Hội An, điểm đến còn là nơi lý tưởng cho người sành ăn cùng các món ngon như cao lầu, bánh mì và những người đam mê lịch sử. Hội An cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 30 km, thuận tiện cho việc di chuyển, ghé thăm. Hội An còn sở hữu 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da...