Nhận tiền tỷ để làm văn bản giả mạo, hàng loạt cán bộ Tổng cục Thủy sản đã phải nhận án tù.
Từ ngày 12-16/4, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Bùi Đức Quý (SN 1955, nguyên GĐ trung tâm 3K, Tổng cục Thủy sản); Đỗ Thu Hà (SN 1988, nguyên cán bộ Phòng Khảo nghiệm, Trung tâm 3K); Lê Tuấn Anh (SN 1979, nguyên Phó phòng Hành chính quản trị, Văn phòng Tổng cục Thủy sản); Nguyễn Thị Hà (SN 1980, nguyên cán bộ Văn phòng, Trung tâm 3K); Nguyễn Văn Dũng (SN 1985, nguyên cán bộ Phòng Kiểm nghiệm, Kiểm định, Trung tâm 3K), Vũ Thị Thu (SN 1982, nguyên cán bộ Trung tâm miền Đông Nam Bộ, Trung tâm 3K), Nguyễn Huy Bàn (SN 1979, nguyên cán bộ văn phòng, Trung tâm 3K) ra xét xử tội giả mạo trong công tác.
Các bị cáo tại tòa. |
Theo cáo buộc, từ năm 2014 đến tháng 3/2015, nhằm hưởng lợi bất chính từ các DN có sản phẩm đăng ký vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, một số cán bộ ở Trung tâm 3K đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cấu kết với nhau nhận hồ sơ của các DN để làm, chỉnh sửa văn bản, làm sai lệch nội dung phụ lục sản phẩm được cấp phép lưu hành, hưởng hợi hơn 7,3 tỷ đồng.
Cụ thể, các bị cáo đã thông qua lãnh đạo phòng hành chính quản trị, Văn phòng Tổng cục Thủy sản lấy số, đóng dấu phát hành các văn bản giả mạo của Tổng cục để đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản của 107 DN vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam trái quy định nhằm hưởng lợi bất chính với tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng.
Cáo trạng cho rằng, bị cáo Vũ Đức Quý giữ vai trò chính đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, ký duyệt tất cả các phiếu thẩm định hồ sơ sản phẩm ghi lùi ngày, tháng, năm trong các công văn; đã duyệt, ký nháy 3 phụ lục ghép trong các công văn; duyệt ký 2 phụ lục 2 công văn người ký duyệt tất cả các phiếu thẩm định hồ sơ, phụ lục, trong 6 công căn giúp cho các bị can ban hành, hưởng lợi hơn 900 triệu đồng.
Bị cáo Đỗ Thu Hà là người thực hành tích cực việc sửa chữa làm sai lệch 6 công văn và thu lợi số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Hà là người thực hành tích cực việc sửa chữa làm sai lệch 6 công văn và thu lợi hơn 2,2 tỷ đồng.
Gợi ý doanh nghiệp
Do các DN đã nộp nhiều hồ sơ sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường về Trung tâm 3K để đăng ký vào danh mục lưu hành từ năm 2013, nhưng vẫn không được cấp phép. Khi được cán bộ trung tâm 3K gợi ý, trao đổi sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ và đưa vào danh mục cấp phép lưu hành, nhưng phải mất chi phí thẩm định; hướng dẫn thủ tục hồ sơ, phân tích kiểm nghiệm mẫu từ 5-25 triệu đồng/sản phẩm.
Được gợi ý như trên, các DN đã đồng ý, chấp nhận số chi phí này vì họ cho rằng đây là chi phí để bồi dưỡng thêm do số lượng sản phẩm nhiều.
Mặt khác, trong bối cảnh việc đăng ký các sản phẩm rất khó khăn, phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần nhưng chưa được cấp phép; DN muốn các sản phẩm sớm được cấp phép lưu hành để sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, tạo thu nhập, công ăn việc làm cho DN và người lao động, không biết việc nộp các chi phí ngoài quy định là sai phạm.
Ông Nguyễn Huy Điền (nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản) - là người đã ký 2 văn bản cho Nguyễn Thị Hà. Kết quả điều tra cho thấy, ông Điền thừa nhận ký 2 văn bản trên, nhưng do thời gian và đã ký nhiều văn bản cấp phép sản phẩm nên không nhớ ký cho ai.
Cáo trạng cho rằng, việc cấp phép sản phẩm tại Tổng cục Thủy sản có nhiều sơ hở, thiếu sót, nội dung văn bản chưa chặt chẽ, nhưng khẳng định bản thân ông Điền không được hưởng lợi gì từ DN cũng như cán bộ Trung tâm 3K, do đó, không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ông Điền.
Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã kiến nghị lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và Bộ NN&PTNT xem xét, khắc phục các sơ hở thiếu sót, hoàn thiện các quy định pháp luật trong việc cấp phép lưu hành cho vật tư nông nghiệp.
Ngày 16/4, sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Quý: 6 năm tù; Đỗ Hà: 4 năm; Nguyễn Hà: 3 năm; Thu, Tuấn Anh: 3 năm; Dũng 3 năm tù treo, Bàn: 30 tháng tù treo.