Dòng sông sẽ là nơi mang hơi thở của văn hóa, du lịch, không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời tạo lập trục cảnh quan mang tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội.
Dòng sông Hồng như “động mạch chủ” của Thủ đô
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người mở ra thời kỳ huy hoàng của văn hóa Thăng Long là vua Lý Thái Tổ với quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ từng nói, xây dựng thành Thăng Long có hình thế núi sau, sông trước, dựa dòng sông Hồng này để tập hợp lực lượng của cả 4 trấn tụ họp về tạo nên nguồn lực mạnh để phát triển. Có thể thấy trong lịch sử, dòng sông Hồng như "động mạch chủ" để tập hợp các nguồn lực phát triển.
Đến thế kỷ XVII - XVIII, thành Thăng Long còn được gọi là Kẻ Chợ, là thành thị phát triển rất mạnh. Trong sử sách có chép, bên bờ sông Hồng có hàng vạn chiếc thuyền, người chen chúc, hàng hóa dồi dào. Đây chính là sự khai thác thế mạnh, sức mạnh của dòng sông Hồng. Cho nên, GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ, dòng sông Hồng này giống như quy tụ mọi nguồn lực, là đặc trưng nhất cho văn hóa ở thời đại quốc gia Đại Việt mà trung tâm của nó là văn hóa Thăng Long qua dòng sông Hồng. Đến thời Pháp thuộc, dòng sông Hồng bớt đi vai trò của nó bởi người Pháp tập trung cho hệ thống đường bộ nên dòng sông trở thành ranh giới của các địa phương.
Bên cạnh đó, do sự biến đổi dòng sông, nước sông Hồng trở nên hết sức dữ dội, vì thế người Hà Nội không "thân thiện" với sông Hồng như trước đây. Thế nhưng cùng với sự phát triển đô thị hoá nhanh như “vũ bão”, yêu cầu mở rộng ra hai bên dòng sông thành nhu cầu bức thiết, dần dần vai trò, vị trí của dòng sông Hồng đã được nhìn nhận đúng đắn hơn. Điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội đều nhấn mạnh vào xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng.
Tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1045 ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nêu rõ việc phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khung kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho phát triển bền vững trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Thay vì "quay lưng” vào sông, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển TP theo hướng “tựa núi, nhìn sông”, các không gian sáng tạo đem lại sự sôi động, náo nhiệt, hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, năng động. Sông Hồng sẽ là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Đây là bước khởi đầu cho việc hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng.
Nói về chủ trương quy hoạch sông Hồng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Quy hoạch lần này là một bước cụ thể hoá Luật Thủ đô. Trong Luật Thủ đô (2013) cũng đã xác định "không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô phải được quản lý theo quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy có hình thái kiến trúc, có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng”.
Như vậy, quy hoạch lần này có nổi trội lên, đó là khai thác cảnh quan và các bãi xanh để sông Hồng trở thành trục trung tâm của Hà Nội. Cách tiếp cận với sông Hồng của quy hoạch cũng là bước đột phá khi thể hiện Hà Nội sẽ “quay mặt ra sông” để phát triển, chứ không “quay lưng” như trước đây”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Quay mặt ra sông để phát triển
Ngày 8/12, tại Kỳ họp 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong Nghị quyết này nêu rõ trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh chia sẻ khi nói về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội: "Trục cảnh quan sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho trục cảnh quan chung về giao thông cũng như sự phát triển của hai bên sông trong thời gian tới. Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông”.
Dựa trên quy hoạch được phê duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cùng các đơn vị tư vấn đề xuất tại khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên nghiên cứu hình thành các khu thương mại - dịch vụ - du lịch - vui chơi quy mô lớn để cạnh tranh với các trung tâm vui chơi nổi tiếng của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các chủ đề thiết kế gắn với các lợi thế về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên.
Khu vực quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì được đề xuất phát triển các công trình thương mại, dịch vụ có kiến trúc hiện đại, trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại dịch vụ quốc tế; xây dựng các mô hình kinh tế đêm phù hợp với giới trẻ, hiện đại, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Về quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng, đơn vị tư vấn định hướng tạo mặt bằng bãi theo hình ruộng bậc thang theo mực nước dâng.
Vào mùa cạn, khu vực sẽ sử dụng làm bãi đỗ xe, hoạt động thể thao, kinh doanh dịch vụ và khi nước dâng trở thành dòng chảy. Các cầu cạn được xây dựng chạy dọc theo mép sông, tạo thành mặt sàn bê tông dọc hai bên sông; phía ngoài cùng sát mép nước làm 2 tuyến đường chạy dọc mép nước hai bên sông. Phần diện tích đường nằm ven sông và đê là không gian phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng như "TP nổi ven sông". Nơi đây cũng định hướng trở thành trục kinh doanh dịch vụ trung tâm của Thủ đô, không gian xây dựng nhà ở. Tuyến đường cầu cạn chạy dọc hai bên sông Hồng sẽ là tuyến đường di sản phục vụ du lịch dịch vụ. Đây là không gian để tổ chức lễ hội văn hóa hàng tuần, nhằm quảng bá du lịch cho các địa phương.
Với mục tiêu lấy người dân làm chủ thể được tiếp cận những lợi ích do con sông huyền thoại mang lại, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổi bật là văn hóa Thăng Long, biểu tượng nền văn minh lúa nước - vùng đồng bằng Bắc Bộ, yêu cầu của Quy hoạch sông Hồng phải trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí lớn không chỉ của cư dân Thủ đô mà mọi du khách khi đến với Hà Nội.