Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo, cán bộ hội phụ nữ 2 huyện Bảo Yên, Bát Xát; ban quản lý dự án, đại diện các trường học, ban chủ nhiệm câu lạc bộ “Yêu thương và chia sẻ” các xã triển khai dự án.
Dự án “Quyền sức khỏe sinh sản và quyền học tập cho trẻ em người dân tộc dễ bị tổn thương thiếu sự chăm sóc của cha mẹ ở vùng dự án” giai đoạn 2023 - 2026 do Tổ chức ACS - Thụy Điển viện trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là chủ dự án.
Dự án hướng đến mục tiêu góp phần thực thi đầy đủ các quyền và sự phát triển toàn diện của trẻ em người dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2026, trẻ em người dân tộc tại vùng dự án được thực hiện đầy đủ các quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, quyền được học tập và được bảo vệ trước các nguy cơ bị xâm hại và bạo lực.
Giai đoạn 2023 - 2026, dự án được triển khai tại 3 xã: Xuân Hòa (huyện Bảo Yên); Dền Thàng và Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát).
Theo đánh giá tại hội nghị, sau một thời gian triển khai, dự án đã đạt được một số kết quả chủ yếu. Đối với kết quả 1: Lãnh đạo và cán bộ hội phụ nữ vùng dự án có năng lực thúc đẩy và gây ảnh hưởng tới các bên trong việc thực hiện các quyền của trẻ em và phụ nữ, có 50% cán bộ hội tham gia phỏng vấn có kiến thức và hiểu về quyền trẻ em, nắm được các chế độ, chính sách trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng tại địa phương. Cán bộ hội phụ nữ 3 cấp đã phối hợp tổ chức 3 cuộc tham vấn lấy ý kiến của phụ nữ, nam giới và trẻ em tại 3 xã dự án về các vấn đề thực tế liên quan đến quyền được học tập, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên với 150 người tham gia…
Kết quả 2: Cha mẹ và các gia đình vùng dự án có kiến thức và kỹ năng thực hiện quyền của trẻ và yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ thực thi các quyền của trẻ em, đã tổ chức 6 lớp tập huấn tại 3 xã dự án cho 150 lượt cha mẹ của nhóm trẻ em đích về quyền trẻ em, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; 5 buổi truyền thông cho 270 phụ nữ dân tộc thiểu số về quyền được học tập, quyền được bảo vệ. Hỗ trợ thành lập và hoạt động 3 câu lạc bộ cha mẹ “Yêu thương và chia sẻ” tại 3 xã dự án với 75 thành viên tham gia.
Kết quả 3: Trẻ em vùng dự án có kiến thức ứng dụng về sức khỏe sinh sản và các quyền của trẻ, đã tổ chức 3 lớp tập huấn/90 trẻ em/3 xã dự án về quyền trẻ em, các quyền chăm sóc sức khỏe và sức khỏe tình dục của trẻ vị thành niên, các kỹ năng sống phòng tránh bị xâm hại tình dục trẻ em; tổ chức 2 buổi truyền thông cho trẻ em dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương; thành lập 3 câu lạc bộ quyền trẻ em và hỗ trợ thành lập 3 tủ sách tại 3 trường học của các xã dự án.
Kết quả 4: Việc thực thi các quyền trẻ em của chính quyền địa phương và các trường học trong vùng dự án hiệu quả, tổ chức 3 cuộc họp với các cơ quan chức năng và nhà trường về một số nội dung.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, nêu ý kiến, làm rõ hơn nữa các kết quả đạt được trong thời gian qua. Cơ bản các đại biểu đánh giá cao những tác động của dự án đối với việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong việc đảm bảo quyền sức khỏe sinh sản và quyền học tập của trẻ em người dân tộc dễ bị tổn thương thiếu sự chăm sóc của cha mẹ ở vùng dự án.
Đại biểu mong muốn trong thời gian tới, dự án sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị để làm tốt hơn nữa nội dung tuyên truyền, nâng cao và lan tỏa hiệu quả của dự án.