Thời gian qua, trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có khá nhiều thắc mắc, phản ánh của người lao động (NLĐ) liên quan đến việc chậm nhận tiền trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Cụ thể, ông Trần Quang Vinh (tỉnh Bình Dương) phản ánh đã nhận quyết định hưởng TCTN từ ngày 13/8 nhưng đến ngày 5/9 vẫn chưa nhận được chế độ.
Khó giải quyết đúng hạn
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt (TP Hà Nội) cho hay sau 8 ngày, kể từ ngày khai báo tìm kiếm việc làm nhưng chưa nhận được khoản TCTN tháng thứ 3 nên ông đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội để hỏi. Tại đây, ông được trả lời rằng thời gian nhận TCTN là trong vòng 12 ngày làm việc. Trong khi đó, Luật Việc làm năm 2013 quy định thời hạn giải quyết hưởng TCTN từ tháng thứ 2 cho NLĐ là 5 ngày, khiến ông Đạt bức xúc.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm DVVL TP HCM, cho biết ở đa số các thành phố lớn, có đông lao động, việc giải quyết hưởng TCTN thường chậm trễ.
Bà Thục lý giải tại khoản 3 điều 50 Luật Việc làm năm 2013 quy định thời điểm hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được tính từ ngày thứ 16 kể từ ngày NLĐ nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN. Mặt khác, tại khoản 2 điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định tổ chức BHXH thực hiện chi trả TCTN tháng đầu tiên của NLĐ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng TCTN. Như vậy, thời gian giải quyết BHTN cho NLĐ là 20 ngày.
Cũng theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, từ tháng hưởng thứ 2 trở đi, tổ chức BHXH thực hiện chi trả TCTN cho NLĐ trong thời hạn 5 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ bảy của tháng hưởng TCTN đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng TCTN đối với NLĐ.
"Với quy định trên, cả 22 ngày làm việc trong tháng, ngày nào cũng phải thực hiện việc chi trả BHTN cho NLĐ, gây áp lực rất lớn cho trung tâm DVVL, cơ quan BHXH và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Mặc dù việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng rất chặt chẽ nhưng vẫn không thể nào giải quyết chế độ đúng hạn cho NLĐ" - bà Thục nói.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), bà Thục đề xuất từ tháng hưởng BHTN thứ hai trở đi, việc chi trả chia làm 2 đợt/tháng. Cụ thể, NLĐ có thời gian hưởng từ ngày 1 đến ngày 15 của tháng thì trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày 15), cơ quan BHXH thực hiện việc chi trả TCTN cho NLĐ; NLĐ có thời gian hưởng từ ngày 16 đến ngày cuối cùng của tháng thì trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày cuối cùng của tháng), cơ quan BHXH thực hiện việc chi trả TCTN cho NLĐ.
Ngoài ra, bà Thục cũng kiến nghị giữ thời hạn giải quyết BHTN là 20 ngày như luật hiện hành. Việc dự thảo luật đề xuất rút ngắn thời hạn giải quyết trong 15 ngày làm việc (kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ) là bất khả thi.
Đơn giản hóa thủ tục
Theo quy định của Luật Việc làm hiện hành, NLĐ có việc làm sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN. Trong thời gian hưởng trợ cấp, hằng tháng NLĐ phải trực tiếp thông báo với trung tâm DVVL nơi đang hưởng TCTN về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn hoặc trường hợp bất khả kháng.
Trường hợp NLĐ không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định sẽ bị tạm dừng hưởng TCTN. Ông Hoàng Quyết (tỉnh Cà Mau) cho hay chỉ vì quên ngày hẹn, đến trung tâm DVVL thông báo tình hình việc làm trễ 1 ngày mà ông bị dừng hưởng TCTN của tháng 8/2023. Theo ông Quyết, lịch thông báo tìm kiếm việc làm quy định không nhất quán (đợt trình diện đầu tiên vào ngày 5/7/2023 nhưng đợt thứ 2 lại từ ngày 11 đến 15/8/2023) khiến ông nhầm lẫn, thiệt thòi quyền lợi.
Bên cạnh đó, quy định trong thời gian hưởng TCTN, hằng tháng NLĐ phải trực tiếp thông báo với trung tâm DVVL về việc tìm kiếm việc làm là không thực tế, gây khó khăn thậm chí thiệt thòi cho người thất nghiệp. Hơn nữa, hiện NLĐ không cần đến trực tiếp mà có thể nộp hồ sơ hưởng TCTN trực tuyến qua Cổng dịch vụ công.
Đại diện Trung tâm DVVL TP HCM thông tin là hiện nay, theo "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt thì việc nộp hồ sơ hưởng TCTN trực tuyến là một trong những dịch vụ công thiết yếu của Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng không phù hợp với Luật Việc làm hiện hành và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Trung tâm DVVL TP HCM cho rằng NLĐ đang hưởng TCTN phải đến nộp hồ sơ, thông báo tình trạng việc làm trực tiếp để được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề. Việc NLĐ đến trực tiếp cũng sẽ tránh trường hợp trung tâm DVVL không theo dõi được tình trạng việc làm cũng như không giám sát được việc NLĐ đã chết, đi nước ngoài hoặc nhờ người khác làm thay để hưởng BHTN sai quy định.
Ở góc độ cá nhân, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho rằng khi NLĐ đến trực tiếp để khai báo tình hình việc làm hằng tháng thì cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát hết được tình trạng họ đã có việc làm nhưng không khai báo để trục lợi BHTN. Từ thực tế này, ông Hà đề xuất nên giải quyết TCTN 1 lần (nếu còn thời gian chưa hưởng theo quyết định hưởng) cho các trường hợp đang hưởng tìm được việc làm.
Điều này vừa tránh quá tải cho cơ quan giải quyết BHTN khi phải tiếp nhận NLĐ thất nghiệp "ảo" đến khai báo hằng tháng vừa tránh được tình trạng NLĐ đã có việc làm nhưng thỏa thuận với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để hưởng hết TCTN.
Vì khoản TCTN không đủ sống nên trong thời gian hưởng, NLĐ cũng phải kiếm việc tạm thời. Vậy nên quy định buộc NLĐ mỗi tháng phải đi thông báo trực tiếp gây khó khăn cho họ, cần xem xét lại" - ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), bày tỏ.