Hôm nay 11-1, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công - tư (PPP), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (gọi tắt là 1 luật sửa 8 luật).
Luật PPP hiện hành quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài...”. Dự thảo “1 luật sửa 8 luật” liên quan đến Luật PPP sẽ được điều chỉnh theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh được phân quyền đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Việc đẩy mạnh phân cấp như trên sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ chuẩn bị dự án và triển khai, giải ngân các dự án PPP sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”. Khi dự án đi vào triển khai, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP cũng sẽ nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn nhà nước hỗ trợ. Nếu quy định mới được Quốc hội thông qua thì sẽ giúp tăng cường vai trò và trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, HĐND cấp tỉnh. Với người dân, nhờ dự án sớm được đưa vào vận hành, khai thác sẽ được thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ công; với doanh nghiệp, sẽ có cơ hội vận hành, kinh doanh sớm hơn…
Tuy nhiên, với nội dung sửa đổi như vậy, dường như nút thắt đối với các dự án PPP vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Đơn cử, một khi thay đổi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, thì Khoản 2 Điều 62 Luật Đất đai (quy định về Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong trường hợp thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA) cũng cần được sửa đổi đồng bộ về thẩm quyền thu hồi đất.
Bên cạnh đó, quá trình thảo luận của Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đã làm bật lên một thực tế khác. Đó là nhà đầu tư tư nhân không mặn mà với các dự án PPP thành phần, khiến số vốn khổng lồ cho “đại dự án” này vẫn phải lấy từ nguồn đầu tư công trong bối cảnh ngân sách đang phải gánh vác nhiều nhiệm vụ chi.
Ghi nhận từ đoàn thư ký kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV sau phiên họp tổ về dự án luật này cho thấy, vẫn còn nhiều băn khoăn từ các đại biểu Quốc hội: Những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT thời gian qua là gì? Nếu sửa, các dự án có thể trở nên hấp dẫn hơn không? Nếu câu trả lời là có, liệu có đủ cơ sở pháp lý để huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước cho giai đoạn tiếp theo hay không? Vì sao các dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP lại ít được hưởng ứng, phải chăng do cách tổ chức thực hiện, bảo vệ nhà đầu tư chưa tốt, hay việc khảo sát đặt trạm BOT không hợp lý?... Ở khía cạnh khác, tính pháp lý của việc chuyển giao quyền thu phí cao tốc Bắc - Nam cho tư nhân khai thác (trong khi đầu tư dự án bằng vốn ngân sách nhà nước) cũng là vấn đề cần cân nhắc, quy định cho kín kẽ.
Để hấp dẫn đầu tư tư nhân và mô hình PPP được triển khai có hiệu quả, vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng rõ ràng, việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung những nội dung mang tính cấp bách tại Luật PPP sẽ kịp thời tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.