Làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cách trung tâm thành phố khoảng 40km. Trước cơn lốc đô thị hóa, làng vẫn bình yên với con người hồn hậu, chịu thương chịu khó. Mặc dù nơi đây có hơn 80% hộ dân làm nghề may trên tổng số hơn 500 hộ của làng, trong đó, khoảng 200 hộ có cửa hàng quy mô để trưng bày, bán sản phẩm và tiếp nhận những đơn đặt hàng, thế nhưng không hề có sự xô bồ, ồn ã, nét đẹp của làng ẩn trong những khoảng xanh mát, trong những con ngõ nhỏ quanh co…
Khi đến làng Trạch Xá, chúng tôi gặp được ông Tạ Duy Mạnh đang chuẩn bị mở cổng đình, nơi thờ phụng Thánh Tổ nghề may. Ông Mạnh năm nay đã 75 tuổi, gắn bó với cây kim, sợi chỉ từ ngày còn bé, đã bao năm theo nghề. Và thật mừng, hiện cả 4 người con của ông vẫn nối nghiệp gia đình. Nói về lịch sử hình thành nghề may áo dài của làng, ông Mạnh kể lại rằng, bà Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen. Bà sinh ra và lớn lên trên vùng đất Sơn Tây có nhiều danh nhân, võ tướng, gia đình có nghề tầm tang canh cửi. Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã may đủ các mẫu quần áo của hoàng đế, cung phi, hoàng thân, quốc thích...
Bà dạy các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung. Năm 979, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã hoàng cung về Trạch Xá. Tại đây, bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng, trong xã và hàng tổng. Nghề may Trạch Xá bắt đầu từ đó. Sau khi mất, bà được nhân dân lập đền thờ và được tôn là Tổ nghề may.
Cũng theo lời ông Mạnh, trước đây, nghề may áo dài chỉ được truyền cho con trai. Nguyên nhân vì ngày xưa, để làm nghề người thợ phải đi khắp mọi nơi, nhận cắt may tại chỗ cho khách, mỗi nơi ở lại ít ngày, vì thế không phù hợp với con gái. Thế nhưng sau này công việc thay đổi thì nghề đã được truyền cho cả con gái và con dâu.
Nói về nghề may áo dài truyền thống, ông Mạnh bảo, chúng tôi tự hào không phải vì làng nghìn năm tuổi mà vì sự đặc biệt rất riêng: “Vạch, kéo bao năm chí chẳng mòn/ Thước, gay đôi chiếc vững lòng son/ Phấn hồng tô điểm trời non nước/ Kim, chỉ vá may nợ nước non”.
“May áo dài ở đây không giống như nơi khác. Đó là áo được may thủ công toàn bộ. Người thợ không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn mà từng đường kim, mũi chỉ phải thật tỉ mỉ, khéo léo” - ông Mạnh cho biết.
Bí quyết “cầm kim tay dọc”
Theo chỉ dẫn của ông Mạnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Minh Tám. Ông Tám là người làm nghề may áo dài truyền thống có tiếng ở Trạch Xá.
Ông Tám cho biết, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc. Cách khâu này thay vì kim khâu chuyển động thì lại đứng yên, còn vải thì chuyển động, khớp với từng đường kim. Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá cầm kim mà như không cầm gì cả. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài, các mũi chỉ thẳng hàng, đều tăm tắp.
Theo ông Tám, không chỉ khác biệt ở cách cầm kim mà nghề may áo dài ở Trạch Xá còn mang sự khác biệt vì chính những sợi tơ gỡ ra từ tấm vải sẽ được dùng để may áo dài, thay vì sử dụng chỉ công nghiệp như những nơi khác. Với việc sử dụng sợi tơ từ vải chiếc áo sẽ đồng nhất về chất liệu, màu sắc, không bị cứng hay co giãn khi giặt, tà áo luôn giữ được sự thướt tha, mềm mại.
“Cho đến ngày nay, những người thợ ở làng chúng tôi vẫn làm thủ công hầu hết các công đoạn. Để làm ra một chiếc áo mất đến hơn 20 giờ đồng hồ nhưng thời gian ngồi máy chỉ chừng 15 phút. Nói như vậy để thấy được sự can thiệp của máy móc là rất ít, chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, vẫn chủ yếu là sự khéo léo, tài hoa của người thợ” - ông Tám chia sẻ.
Nhìn Đỗ Lan Anh - con gái của ông Tám ngồi khâu áo dài, chúng tôi mới thấy hết được sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. Lan Anh năm nay 19 tuổi, đang học đại học năm thứ 2. Còn trẻ nhưng em đã biết cách cầm kim - một kiểu cầm được cho là rất khó. Dưới đôi bàn tay khéo léo của em, những đường kim mũi chỉ phẳng đẹp như dán hồ, phía ngoài là đường chỉ loáng thoáng lộ chấm bé xíu như trứng rận, đúng kiểu “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”.
“Ở làng, trẻ em từ 6 - 7 tuổi đã được làm quen với việc may, đo. Đến khi 15 - 16 tuổi là có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống. Em cũng như các bạn cùng trang lứa trong làng, ai cũng biết khâu và may” - Lan Anh nói.
Giữ gìn nét đẹp nghìn năm
Hiện, làng Trạch Xá có nhiều gia đình gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác.
Một nghề truyền thống được lưu truyền hàng nghìn năm, có đến hơn 80% gia đình vẫn còn theo nghề, và ai cũng “sống khỏe” với nghề. Nhiều thợ trong làng đã mở cửa hàng riêng ở khắp nơi, bởi vậy, áo dài Trạch Xá hiện nay không chỉ có ở Hà Nội mà đã lan rộng tới nhiều vùng, miền khác.
Theo ông Tám, gìn giữ và phát triển được như ngày nay nhưng nghề may áo dài của làng Trạch Xá cũng đã từng có những quãng thời gian trầm lặng, nhưng những khoảng thời gian đó không dài. Dù thế nào, người Trạch Xá vẫn luôn giữ nghề như giữ hồn quê trong từng nếp áo.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nghiêm Văn Đạt - Giám đốc Hợp tác xã làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá, cũng là một người thợ lâu năm trong làng, bày tỏ mong muốn nghề truyền thống của làng được cha truyền con nối từ đời này sang đời khác, phát huy và lan tỏa hơn nữa. “Chúng tôi sẵn sàng truyền dạy lại nghề theo lối cổ truyền cho những ai có đam mê và muốn học hỏi, kể cả những người đến từ ngoài làng. Hiện nay chúng tôi cũng đang kết hợp với các cơ quan đoàn thể, địa phương thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu, các trung tâm thiết kế sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi đã có ý kiến và tham mưu cho huyện đưa du lịch về Trạch Xá để đón các lượt khách đến tham quan, trải nghiệm” - ông Đạt cho hay.
Đầu năm 2024, nghề may của làng Trạch Xá đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó thêm phần khẳng định giá trị, nét đẹp truyền thống đặc biệt của nghề may áo dài nơi đây.