Giới thiệu tác giả - tác phẩm: Nguyễn Xuân Mẫn

Sinh năm 1948, từng tham gia chiến đấu tại Cánh Đồng Chum (Lào) đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tác giả Nguyễn Xuân Mẫn (còn có bút danh là Nguyễn Tân Hào) bắt đầu say viết văn khi tuổi đời không còn trẻ.

Trong thời gian công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai, ông là cộng tác viên tích cực của Báo Lào Cai, Tạp chí Văn nghệ Lào Cai và một số tờ báo, tạp chí khác, từ đây, tác giả tìm được lối đi trong sáng tác của mình, đó là bút ký và truyện ngắn. Đặc biệt, khi trở thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, sức viết của Nguyễn Xuân Mẫn càng dồi dào. Ông có nhiều tác phẩm hay về vùng đất đã từng gắn bó trên vùng cao Lào Cai. Trong hơn 10 năm cầm bút, Nguyễn Xuân Mẫn có nhiều tác phẩm được giải thưởng của Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai, các cuộc thi do Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động.

Tác giả đã cho ra mắt tập truyện ngắn: Trở về quá khứ (xuất bản năm 2008) và tập bút ký Cây lúa vùng cửa thác (xuất bản năm 2009). Mặc dù, tuổi đã khá cao nhưng hiện nay, Nguyễn Xuân Mẫn vẫn lặn lội đi qua nhiều vùng đất để tìm tư liệu mới, tràn đầy hơi thở cuộc sống phục vụ cho những sáng tác của mình.

Nhà hoang (Truyện ngắn)

Sểnh và thằng Phù Thông - em trai nó theo người ta sang bên Trung Quốc thu hoạch chuối thuê. Xấu hổ vì bộ quần áo thêu rất đẹp bị nhựa chuối bám loang lổ, công việc lại vất vả nên Sểnh định bỏ về. Nhìn má cô gái Dao của Việt Nam lúc nào cũng như quả đào sắp chín nhưng làm ăn uể oải, một gã người Trung Quốc nói tiếng Kinh lơ lớ: Mày muống lằng nhiều tiền đi với tao, mỗi tháng không dưới bảy khìn tiền Tàu, lại khôông khổ lố! Chiều hôm ấy, Phù Thông và mấy người nữa đợi mãi không thấy Sểnh ra bến đò mà trời đã tối nên đành phải về.

Một buổi chiều tà ba năm sau, có chiếc xe taxi đỗ giữa bản Lồ Suối Tủng. Mấy người đi hái rau lợn về, tò mò chạy lại xem. Người phụ nữ trên xe bước xuống cười cười vẫy tay chào, nghe tiếng gọi mới biết là Sểnh. Nó mặc chiếc váy ngắn khoe ra cặp đùi trắng nõn to như khúc chuối rừng đã tước bẹ ngoài, tấm áo nó cũn cỡn như mặc nhầm của trẻ con, trơ cái rốn lõm như chén bị sứt. Mọi người tíu tít hỏi nó đi đâu lâu mà chẳng có tin tức. Thay câu trả lời, nó mở ví cho mỗi người một trăm đồng tiền Trung mới cứng, bảo bằng hai trăm nghìn đồng tiền Việt.

Người ta kháo nhau con Sểnh bị bán cho ổ chứa mại dâm tận Côn Minh. Kẻ lại bảo nó lấy lão già người Trung Quốc giàu lắm nên lừa lão vét sạch tiền. Người thì bảo nó đi bán thân nhưng mọi chuyện chẳng ai biết rõ, chỉ có điều bây giờ nó giàu.

Khi Sểnh nói sẽ xây nhà hai tầng thì thằng Phù Thông về chửi toáng lên: Tôi không thèm cái tiền làm gái! Đập tay xuống mặt bàn, con chị vênh mặt: Ba năm tao đi vắng, vợ chồng mày mua được mỗi cái xe máy cũ, nhà vẫn nguyên bố để lại mà sắp đổ rồi. Nếu gió lốc, vợ chồng mày nhanh chân chạy, để mẹ già bị đè chết à? Sớm hôm sau người ta thấy vợ chồng em trai đèo con lên ở nhờ nhà ngoại.

Chỉ mấy tháng, ngôi nhà hai tầng mái bằng nằm chềnh ềnh trên nền cũ thay ngôi nhà xiêu vẹo. Nhiều người nói mỉa: Mái nhà ngửa mới hứng được nhiều tiền! Con Sểnh còn mua giường tủ, bàn ghế sơn bóng lộn rồi còn chở ti vi to như cái chiếu và hai chiếc loa thùng như đôi quan tài dựng đứng góc nhà. Mỗi lần về nó mở nhạc Tây, nhạc Tàu điếc tai cả bản như khoe của với mọi người. Nó còn làm một chuyện mà xưa nay cả Phìn Chải chưa ai làm được, đó là xây mộ cho bố nó. Thằng Phù Thông đứng ngoài nhà xây quát: Người Dao mình chỉ khi nào trong nhà có chuyện không tốt mới động cuốc đến mộ. Nếu chị làm đừng trách tôi! Con Sểnh chửi: Đồ thất hiếu! Tao được hồn bố phù hộ nên phải đền ơn, không cần đến mày!

Chuyện ngôi nhà hai tầng và ngôi mộ ông Phú thọt vừa lắng dần thì người ta lại kháo nhau mỗi lần con Sểnh về nhà là lại có nhiều người đàn bà con gái đến chơi. Họ thì thụt đến và đi, rì rầm bàn với nhau những gì trong cái nhà xây cửa kính kín như bưng ấy bên ngoài không nghe thấy. Nhưng chính những người thề với nó quyết giữ kín mọi chuyện lại giấu đầu hở đuôi. Họ thẽ thọt khoe sẽ cho con gái theo Sểnh sang Trung Quốc làm ăn. Cứ mỗi lần con Sểnh về là cũng có hai ba cô bỏ nhà đi. Công an xã có gọi người nhà lên hỏi thì đều được họ trả lời: Cháu đi làm ăn xa, chưa kịp xin giấy tạm vắng. Một hôm người ta đồn nhau rằng con Sểnh bị bắt quả tang đưa bốn cô gái vượt biên định bán sang Trung Quốc. Cả xã Phìn Chải nhốn nháo như trâu lồng, ngựa phi. Bà Mẩy trên Nậm Giàng bán ba con trâu, đưa tiền cho Sểnh để chạy cho con gái đi làm công nhân điện tử tận Thượng Hải, nhưng ba năm nay tiền mất mà bặt tin con. Cô Díu, chị em họ với Sểnh giao cho nó hai trăm đồng bạc trắng nhờ làm thủ tục xuất cảnh cho con gái sang Trung Quốc học nghề may, nhưng không thấy con về. Mất con, mất bạc, mất trâu... nên người ta kéo đến ngôi nhà hai tầng duy nhất của xã đòi. Chẳng hiểu do trời hành hay ma rừng, ma suối về đòi ăn mà từ ngày được ở nhà tầng, mụ Lở Cói ốm đau liên miên, bao nhiêu thuốc con gái mang về cho uống cũng không khỏi. Đang thiêm thiếp bởi mấy hôm liền bị bệnh không cho ngủ, mụ giật mình nghe những tiếng la hét, tiếng đập cửa thình thình. Thằng Phù Thông phải đứng ra thay chị nó cho người ta khuân đồ đạc bắt nợ. Ngôi nhà hai tầng đã bị tháo hết cánh cửa, dây và bóng điện cũng bị gỡ sạch mà vẫn còn gần hai chục tờ giấy viết tay của chị nó nợ người ta, tính ra tiền hơn một tỷ đồng.  

Con Sểnh không về. Chẳng ai thèm lấy ngôi nhà hai tầng trừ nợ vì sợ xúi quẩy nên rau lang rừng, dây bìm bìm thi nhau bò kín mái và đêm xuống, đàn dơi đuổi muỗi tự do bay vào nhà kêu chí chí.

Tháng 4 năm 2012

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Trong đời sống cộng đồng người Dao đầu bằng tại Tam Đường, tỉnh Lai Châu, lễ Tủ Cải là nghi lễ đánh dấu bước trưởng thành của người con trai. Người Dao nơi đây quan niệm rằng, để được cộng đồng công nhận và sau này khi mất đi có thể trở về với tổ tiên, mỗi người con trai nhất định phải trải qua nghi lễ này.

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Đà Nẵng - thành phố biển sôi động của miền Trung; Ninh Bình - vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp hay Phú Yên nơi “Hoa vàng trên cỏ xanh”… đang ngày càng khẳng định sức hút đặc biệt đối với các đoàn làm phim trong và ngoài nước.

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh, thanh niên chính là cầu nối đưa văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại, đồng thời là lực lượng góp phần lan tỏa bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Giữa nhịp sống hiện đại, việc nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình lựa chọn giữ gìn nếp sống truyền thống ấy, không chỉ vì thuận tiện trong sinh hoạt mà còn bởi giá trị tinh thần to lớn và vì sự yêu thương, sẻ chia, gắn bó giữa các thế hệ.

Hà Trúc Linh trở thành tân Hoa hậu Việt Nam 2024

Hà Trúc Linh trở thành tân Hoa hậu Việt Nam 2024

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 diễn ra tại thành phố Huế, cô gái Phú Yên Hà Trúc Linh đã chính thức đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2024, kế nhiệm ngôi vị đầy vinh quang và thành công của Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy.

Trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho 33 tác phẩm âm nhạc xuất sắc

Trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho 33 tác phẩm âm nhạc xuất sắc

Các tác phẩm với ca từ giàu hình ảnh, cảm xúc đã thể hiện sâu sắc vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phản ánh niềm tự hào và niềm tin của nhân dân về Quốc hội Việt Nam và người đại biểu dân cử.

Nghệ thuật đính cườm của người Xá Phó

Nghệ thuật đính cườm của người Xá Phó

Nghệ thuật đính cườm tạo thành hoa văn thổ cẩm trên váy áo của dân tộc Xá Phó mang vẻ đẹp riêng, tạo sức hấp dẫn trên trang phục, cũng như một số đồ dùng hằng ngày được thiết kế ứng dụng từ thổ cẩm của người Xá Phó như: túi thổ cẩm, khăn trải bàn, tranh treo tường…

fb yt zl tw