Hiện tại, vỏ quế khô được các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái thu mua ở mức từ 47.000 - 48.000 đồng/kg, vỏ quế tươi 22.000 - 24.000 đồng/kg, quế ống sáo từ 80.000 - 83.000 đồng/kg. Giá các sản phẩm quế năm nay thấp hơn từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tiến độ, sản lượng thu hoạch toàn tỉnh vụ này chững lại. Nhiều nơi, người dân dừng hẳn việc khai thác, chờ giá lên.
Gia đình ông Bàn Văn Lộc, thôn Cốc Đào, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) đưa cây quế vào trồng từ năm 2005. Hiện tại, gia đình ông có hơn 4 ha quế, trong đó hơn 2 ha quế đến tuổi khai thác (quế hơn 15 năm). Ông Lộc cho biết: Gia đình vừa bán hơn 2 tấn quế khô, giá quế năm nay thấp, gia đình bị giảm thu nhập gần 20 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Chung nỗi buồn khi đem quế đi bán, bà Triệu Thị Cói, thôn Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn (Bắc Hà) ngậm ngùi: Từ đầu năm đến nay, giá bán vỏ quế thấp nên gia đình khai thác cầm chừng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, nhiều diện tích quế bị sâu, bệnh gây hại, nếu không khai thác thì quế sẽ chết khô. Tôi đang nghe ngóng thị trường rồi tính.
Chị Đoàn Thị Huệ, tiểu thương kinh doanh ngành hàng quế tại xã Bảo Nhai (Bắc Hà) cho biết: Do thị trường tiêu thụ sụt giảm, sản lượng thu mua quế của cơ sở cũng giảm theo. Trước đây, mỗi năm cơ sở thu mua khoảng 200 tấn quế khô, 400 tấn quế tươi thì năm nay chỉ đạt 1/3 số lượng trên. Giá quế xuất bán năm nay giảm từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, nên giá thu mua vỏ quế của người dân cũng giảm theo.
Tại xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Hiện nay, xã có hơn 2.600 ha quế, trong đó có nhiều diện tích đã đến tuổi khai thác, nhưng giá quế xuống thấp, công khai thác, cước vận chuyển cao nên các hộ cũng khai thác cầm chừng.
Hợp tác xã Tâm Hợi, huyện Bảo Thắng là cơ sở thu mua vỏ quế lớn nhất, nhì tỉnh. Tuy nhiên, năm nay cơ sở này gặp khó về đầu ra cho sản phẩm nên việc thu mua vỏ quế chững lại.
Chị Tạ Thị Hợi, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Giá thu mua quế giảm, nguyên nhân là do việc xuất khẩu ngành hàng quế đang gặp khó khăn. Giá quế giảm, trong khi chi phí vận tải, bến bãi xuất hàng tăng, khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã không thể nâng giá thu mua nguyên liệu. Thêm nữa, việc chậm thanh toán tiền hàng của đối tác khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và chế biến quế ở tỉnh thiếu vốn quay vòng để thu mua sản phẩm lưu kho.
Giá quế năm nay giảm do diễn biến khó khăn chung của tình hình thế giới. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận việc phát triển diện tích quế thời gian vừa qua. Toàn tỉnh hiện có hơn 56.000 ha quế, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ mới đạt hơn 3.600 ha, chiếm hơn 7% tổng diện tích. Như vậy, thời gian trước chỉ tập trung mở rộng diện tích quế, chưa chú trọng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao giá trị ngành hàng.
Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã thu mua vỏ quế chế biến thành các sản phẩm quế thanh, quế ống điếu, bột quế, quế ống sáo... xuất khẩu chính ngạch với sản lượng thấp. Còn lại người dân chủ yếu tự sơ chế, bảo quản và bán cho các tiểu thương để xuất thô nên giá thấp và không ổn định.
Thực tế, phát triển chuỗi giá trị quế hiện chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Việc chế biến chủ yếu là chiết xuất tinh dầu quế từ cành, lá, trong khi đó giá trị lớn nhất của cây quế là từ vỏ quế (chiếm 70%) chưa được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Muốn nâng giá trị thì sản phẩm quế phải tiếp cận được các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU... Để vào được các thị trường này, sản phẩm quế đòi hỏi có chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ.
Để phát triển ổn định ngành hàng quế, cần gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững.