Giá dứa đạt cao, nông dân phấn khởi mở rộng diện tích

Những ngày này, trên các nương dứa tại huyện Mường Khương, không khí thu hoạch tươi vui hơn bao giờ hết. Sau nhiều năm giá cả bấp bênh, vụ dứa năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá, giúp bà con nông dân phấn khởi, mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa.

Dứa được mùa, giá cao, nông dân có lãi

Tại xã Bản Lầu - vựa dứa lớn nhất của huyện Mường Khương, những vườn dứa chín vàng đang được thương lái thu mua với giá cao. Vụ thu hoạch dứa thường bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trên những triền đồi, nhiều diện tích sau khi thu hoạch xong đã được nông dân đánh hàng, trồng dứa vụ mới.

baolaocai-tr_dua-bl.jpg
Bản Lầu được coi là "vựa dứa" của huyện Mường Khương.

Chị Hoàng Thị Hường, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu cho biết: “Những năm trước, do giá phân bón cao, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên nhiều hộ dân bị thua lỗ, không dám mở rộng diện tích. Nhưng từ năm ngoái, tình hình tiêu thụ dứa ổn định trở lại, bà con có lãi nên yên tâm sản xuất hơn. Gia đình tôi trồng 10 vạn cây dứa, tương đương hơn 2 ha. Đến nay đã thu hoạch khoảng 80%, thu về 400 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn khoảng 200 triệu đồng. Dứa năm nay được mùa, được giá nên chúng tôi rất phấn khởi”.

baolaocai-br_chi-huong.jpg
Chị Hoàng Thị Hường chăm sóc dứa mới trồng.

Theo ông Cư Trữ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, vụ dứa vừa qua, toàn xã có khoảng 1.500 ha dứa, năng suất trung bình 35 tấn/ha. Giá dứa thu mua tại nương đạt khoảng 6.000 đồng/kg, còn giá bán tại nhà máy chế biến đạt từ 8.000 đồng/kg trở lên. Với mức giá này, người dân có lãi cao. Người dân đang tích cực mở rộng diện tích, năm nay tăng khoảng 200 ha so với năm trước.

baolaocai-tr_thu-hoach-dua.jpg
Nông dân xã Bản Lầu thu hoạch dứa.

Trên địa bàn xã Bản Lầu hiện có 13 tổ hợp tác sản xuất dứa, đóng vai trò liên kết với doanh nghiệp để thu mua sản phẩm, giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng. Hình thức thu mua cũng đa dạng, bà con chủ yếu bán "vo" cả nương dứa cho thương lái, người mua sẽ tự thuê nhân công thu hoạch và vận chuyển. Nhờ đó, nông dân không cần lo lắng khâu thu hoạch mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cao. Quả dứa tươi được các tư thương thu mua, một phần nhỏ sơ chế rồi bán cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh. Ninh Bình đang là địa phương tiêu thụ dứa quả lớn nhất của huyện Mường Khương với khoảng 60% tiêu thụ tại kênh này.

baolaocai-tr_so-che-dua.jpg
Người dân sơ chế dứa để bán cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Khương, toàn huyện hiện có khoảng 1.899 ha dứa, sản lượng năm 2025 ước đạt 50.400 tấn, với giá trị hơn 378 tỷ đồng. Huyện dự kiến mở rộng thêm 210 ha trong năm tới, nâng tổng diện tích dứa lên 2.000 ha, đưa cây dứa trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Theo ghi nhận, hiện nay, việc tiêu thụ dứa tại huyện Mường Khương rất thuận lợi. Nhiều thương lái, doanh nghiệp và tổ hợp tác tham gia thu mua, tạo đầu ra ổn định cho người trồng dứa.

Thị trường tiêu thụ ổn định, người dân mở rộng diện tích

Nhìn thấy hiệu quả từ cây dứa, nhiều hộ dân có xu hướng mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà bà con đang gặp phải là thiếu nguồn giống, giá cao. Hiện giá cây dứa giống đã tăng lên mức 4 - 5 triệu đồng/vạn cây, trong khi trước đây chỉ khoảng 1 - 2 triệu đồng/vạn cây. Giá giống cao trở thành rào cản đối với những hộ nông dân muốn đầu tư mở rộng diện tích.

baolaocai-br_dua.jpg
Dứa giống cao do nguồn cung khan hiếm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những lý do khiến giá giống dứa tăng mạnh trong vụ này là do những năm trước, giá sắn cao, nhiều hộ dân chuyển sang trồng sắn. Đến nay, khi giá sắn xuống thấp, người dân mới quay trở lại với cây dứa. Giống dứa được người dân địa phương sản xuất bằng cách tách chồi non phân nhánh từ cây dứa già đã thu hoạch khoảng 6 tháng. Việc chuyển đổi “bắt đầu lại” với cây dứa sẽ đòi hỏi người dân cần đầu tư mới cho việc mua giống từ những gia đình còn lưu giống.

Theo chị Hoàng Thị Hường, trước đây khi giá dứa thấp, nhiều hộ bỏ dứa để trồng cây khác, nay muốn quay lại trồng dứa thì gặp khó khăn về nguồn giống. "Những vụ trước, giá dứa thấp nhưng gia đình vẫn quyết tâm, kiên trì với cây trồng này nên còn giống. Những nhà khác không duy trì việc trồng dứa nên thời điểm này, muốn quay lại trồng sẽ rất khó khăn, chi phí cho việc mua giống sẽ cao, rất khó tìm mua giống" - chị Hường chia sẻ.

baolaocai-tr_img-8621.jpg
Hiện giá bán lẻ ngoài thị trường 15.000 đồng/kg dứa quả loại 1.

Dứa đang là cây trồng hàng hóa chủ lực của huyện Mường Khương theo Nghị quyết 10 về phát triển nông nghiệp hàng hoá. Mường Khương cũng đã có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật canh tác và ổn định đầu ra. Huyện Mường Khương đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng dứa, đồng thời tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng trồng dứa hợp lý, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại và tăng cường chế biến sau thu hoạch cũng là những yếu tố quan trọng để phát triển ngành dứa bền vững trong tương lai.

Giá dứa cao mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân huyện Mường Khương. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ bà con mở rộng diện tích, ổn định nguồn giống, tăng cường kết nối tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa, mất giá như trước đây đã từng gặp phải. Với sự quan tâm đúng mức, cây dứa hứa hẹn giúp cải thiện kinh tế cho nông dân và trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững cho địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Lộc trời” trên núi Ngải Trồ

“Lộc trời” trên núi Ngải Trồ

Giữa trung tâm thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, rừng chè cổ thụ như báu vật thiên nhiên được gìn giữ qua bao đời. Trải dài trên diện tích 21,5 ha, hàng nghìn gốc chè cổ thụ không chỉ mang vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng mà còn là nguồn sinh kế quý giá của người dân địa phương.

Tăng cường các biện pháp chăm sóc cây trồng

Tăng cường các biện pháp chăm sóc cây trồng

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ tháng 5 đến tháng 7/2025, nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng và nắng nóng gay gắt có thể diễn ra mạnh hơn trung bình nhiều năm. Dự báo nguy cơ có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất và sản lượng cây trồng.

Bản giàu ở vùng đất “trâu lăn”

Bản giàu ở vùng đất “trâu lăn”

Đứng ở sân trụ sở, Bí thư Đảng ủy xã Tân An (huyện Văn Bàn) Vũ Xuân Thủy đưa tay chỉ về phía đỉnh núi mờ xa: “Sau những tầng mây kia là thôn Khe Bàn, ở khu vực núi cao nhất xã, với gần 100% dân số là người Dao sinh sống…”. Trong câu chuyện về vùng đất mới, anh Thủy còn giới thiệu thêm, đây là thôn người Dao làm kinh tế rừng giỏi, có nhiều hộ khá và giàu, với những ngôi nhà xây kiểu nhà vườn xinh đẹp...

Trồng cây dâu tằm trên đất đồi

Trồng cây dâu tằm trên đất đồi

Huyện Bảo Yên đã có những cách làm sáng tạo và hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đáng chú ý là việc đưa cây dâu tằm trồng trên đất đồi. Đây là hướng đi mới nhằm tận dụng đất kém hiệu quả để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Bản Cầm

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Bản Cầm

Với nỗ lực và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng người dân, những năm qua, xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng) đã trở thành địa phương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới. Xã có 6 thôn thì 4 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thôn duy trì danh hiệu thôn kiểu mẫu.

Thẩm định, xét công nhận 2 xã của thành phố Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024

Thẩm định, xét công nhận 2 xã của thành phố Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024

Sáng 28/4, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định, xét công nhận xã Đồng Tuyển và Hợp Thành (thành phố Lào Cai) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Sáp nhập Lào Cai - Yên Bái, một nông dân đưa 4 trại cá nước lạnh về chung một nhà, thêm cơ hội làm giàu

Sáp nhập Lào Cai - Yên Bái, một nông dân đưa 4 trại cá nước lạnh về chung một nhà, thêm cơ hội làm giàu

Bà Phạm Thị Mai - Giám đốc HTX Thức Mai cho biết, hiện nay, HTX đang có 4 trại cá nước lạnh ở Lào Cai và Yên Bái. Khi 2 tỉnh sáp nhập với nhau, chúng tôi có thể đưa các trại về chung một nhà, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội mới để tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch.

fb yt zl tw